Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Giao thông: Nhà đầu tư sẵn sàng giảm phí BOT Cai Lậy

“Đề xuất của địa phương giảm giá vé 35.000 xuống 25.000 đồng nhà đầu tư sẵn sàng. Suy cho cùng, vẫn tủ tiền đấy thay vì thu gần 7 năm thì kéo dài 12-13 năm", Bộ trưởng Nghĩa nói.

Chiều 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, thảo luận về báo cáo giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)”. Trạm thu phí Cai Lậy vẫn là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm.

Đường sửa một chút là thu phí

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chỉ ra thực trạng có một số dự án, đường nhà nước đã làm sẵn, nhà đầu tư BOT vào nâng cấp, chỉ "tráng đường một ít", đầu tư thêm một lớp bên trên rồi thu phí.

“Như Tiền Giang, dự án trên quốc lộ 1A chỉ là như thế (chỉ tráng một lớp trên mặt đường) và cuối cùng thu phí cao hơn cả cao tốc Trung Lương, vì thế nên dân bức xúc là đúng”, Tổng thư ký Quốc hội dẫn chứng.

Ông Phúc cũng nêu lên tình trạng thời hạn thu phí đường chính hết rồi nên nghĩ ra việc mở đường tránh cho nhanh hồi vốn. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư lợi dụng việc này mở trạm thu phí BOT làm dân bức xúc, phản ứng với BOT là điều đương nhiên.

“Giám sát phải chỉ rõ địa chỉ, không bắn chỉ thiên đi đâu vì không hiệu quả. Tôi đề nghị đoàn giám sát bổ sung thêm giám sát dự án BOT Cai Lậy thực hiện ra làm sao, đưa ra kiến nghị giải quyết. Ta làm luôn cho hiệu quả, không chờ đợi gì cả”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Tram thu phi Cai Lay anh 1
Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên quốc lộ 1 khiến tài xế, người dân bức xúc. Đồ họa: Minh Trí.

Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải băn khoăn về trách nhiệm của thanh tra Bộ Giao thông Vận tải ở đâu, thu hồi về cho Nhà nước bao nhiêu tiền, xử lý trách nhiệm cá nhân như thế nào. Bà đề nghị cung cấp thêm thông tin cho đoàn giám sát, để lấy căn cứ trả lời cho cử tri.

“Tôi chưa nhận được đơn thư gì ở chỗ Cai Lậy nhưng các trạm Bến Thủy, Lương Sơn, Hòa Bình chúng tôi đều nhận được. Tôi rất tán thành ý kiến của Tổng thư ký là trong trường hợp Cai Lậy là đoàn giám sát nên giám sát để có thêm thực tiễn trong báo cáo cũng như đáp ứng mong mỏi của người dân”, bà Hải cho ý kiến.

Ông Phan Thanh Bình (Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) thì đề nghị Bộ trưởng báo cáo tình hình trước Thường vụ Quốc hội. Ông cũng cho rằng cần phải tôn trọng ý kiến của người sử dụng và người dân tại chỗ khi làm BOT.

"Cứ coi là lo cho dân để làm, nhưng suy nghĩ của người dân ở đó như thế nào thì chúng ta thực sự không biết. Đường Cai Lậy tôi đã từng đi qua, hiện chỉ sửa lại một chút và thu phí. Đây là con đường độc đạo, vậy khi sửa có hỏi ý kiến của người dân hay không?", ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh.

7 doanh nghiệp phản đối trạm Cai Lậy

Giải trình ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết nói là tuyến tránh Cai Lậy là chưa đầy đủ. Đây là dự án với hơn 26 km trên quốc lộ 1 và 12 km tuyến tránh.

Theo ông Nghĩa, dự án này xuất phát từ nhu cầu địa phương cần một đường tránh để có cơ hội mở rộng thị trấn, thành phố. Vì vậy, Bộ Giao thông Vận tải và địa phương lập dự án. Trong quá trình làm Hội đồng nhân dân, đại biểu Quốc hội, hiệp hội, địa phương đều đã được lấy ý kiến.

Tram thu phi Cai Lay anh 2
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa giải trình các ý kiến của đại biểu Thường vụ Quốc hội. Ảnh: Phạm Duy.

“Khi xảy ra sự việc, nhiều người chỉ nghĩ đến lỗi của nhà đầu tư. Tôi đề nghị có cái nhìn công bằng hơn, trước hết phải là địa phương và Bộ Giao thông Vận tải đồng ý thì nhà đầu tư mới làm được”, ông Trương Quang Nghĩa nói.

Về tình hình ở trạm Cai Lậy những ngày vừa qua, Bộ trưởng Nghĩa khẳng định dân, doanh nghiệp, hiệp hội vận tải ở trạm thu phí thật sự không có phản ứng gì.

“Chỉ có 7 doanh nghiệp ở nơi khác phản ứng nhưng cách thức làm chúng tôi thấy rất buồn. Buồn ở chỗ khi xảy ra sự việc ở đây có chính quyền nhưng lại đưa 3 cái xe dừng ở đó để cản trở”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

Ông cho biết thêm vừa rồi địa phương có ý kiến hợp lý và trong hôm nay, Bộ Giao thông Vận tải cũng mời nhà đầu tư ra để làm việc. Sau chiều nay, các đề xuất của địa phương và người dân sẽ được giải quyết.

“Đề xuất của địa phương là giảm giá vé từ 35.000 xuống 25.000 đồng nhà đầu tư sẵn sàng. Suy cho cùng, nó vẫn là một tủ tiền đấy thay vì phương án thu gần 7 năm thì kéo dài 12-13 năm", ông Trương Quang Nghĩa lý giải 

Rà soát lại các dự án BOT

Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ sẽ tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua, đồng thời phát huy hiệu quả của hình thức hợp đồng BOT trong phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải rà soát lại chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của từng lĩnh vực (đường sắt, đường bộ, đường thuỷ, hàng không…) của quốc gia, khu vực, thậm chí của các địa phương.

“Kế hoạch hóa đầu tư đang là khâu yếu nhất hiện nay, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến đầu tư phong trào, tràn lan, dàn trải, gây lãng phí nguồn lực”, Phó thủ tướng nói.

Theo ông Trịnh Đình Dũng, một nhóm giải pháp khác cũng được Chính phủ ưu tiên chỉ đạo thực hiện là tăng cường kiểm soát chất lượng các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông vận tải từ khâu lập, thẩm định, quyết định đầu tư đến thực hiện đầu tư, khai thác…

“Yêu cầu đặt ra là phải tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư của từng dự án để làm cơ sở đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư, cơ sở để tính giá phí, bố trí trạm thu phí, thời gian thu phí… Nếu tính đúng, tính đủ thì sẽ có mức giá hợp lý, từ đó bảo đảm được quyền lợi của Nhà nước, nhà đầu tư và đặc biệt là lợi ích của người dân”, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định phải công khai minh bạch trong việc lựa chọn nhà đầu tư. Chính phủ yêu cầu phải đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực, đáp ứng tốt nhất yêu cầu triển khai thực hiện dự án.

Những lần trạm thu phí BOT bị người dân cúng heo, trả tiền lẻ phản đối Từ đầu năm 2017 đến nay, người dân ở hàng loạt địa phương đã chặn xe, dùng tiền lẻ mua vé... nhằm phản đối việc thu phí sử dụng đường bộ của các trạm BOT.

BOT Cai Lậy xả trạm đến khi có ý kiến của Bộ GTVT

Sau một ngày đêm "thả cửa" cho hàng chục nghìn ôtô qua trạm, BOT Cai Lậy vẫn chưa chốt được thời gian thu phí trở lại.

'Việc xảy ra ở trạm thu phí Cai Lậy là điều đáng buồn'

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng cần rà soát lại các dự án BOT để người dân bớt bức xúc, việc xảy ra ở trạm thu phí Cai Lậy là điều đáng buồn.




Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm