Trao đổi với Zing.vn chiều 15/8, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Tiền Giang, cho biết Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang (BOT Tiền Giang) chưa có kế hoạch đóng trạm Cai Lậy để thu phí sau một ngày đêm "xả cửa". Dự kiến ngày 16/8, Bộ GTVT họp để giải quyết hướng đề xuất của tỉnh về những vấn đề "nóng" tại trạm Cai Lậy.
"Nhà đầu tư nói tiếp tục xả trạm, khi nào có ý kiến của Bộ GTVT thì mới bán vé trở lại", lãnh đạo Sở GTVT Tiền Giang nói.
BOT Cai Lậy xả trạm suốt 24 giờ. Ảnh: Việt Tường. |
Liên hệ ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc BOT Tiền Giang để xác nhận thông tin nhưng vị này từ chối cuộc gọi. Sáng cùng ngày, ông Hiệp nói với phóng viên Zing.vn rằng đơn vị đã làm việc với Công an tỉnh Tiền Giang để nhờ nơi đây phối hợp giải quyết tình hình an ninh trật tự tại trạm Cai Lậy.
"Có người đến từng cabin để dọa nạt nhân viên bán vé. Chúng tôi phải bảo vệ nhân viên, khi nào ổn định tình hình mới bán vé", ông Hiệp chia sẻ.
Theo ghi nhận của phóng viên, 17h ngày 15/8, tại trạm Cai Lậy chỉ có vài bảo vệ, cabin bán vé không có người. Một ngày trước, hàng chục người làm việc tại đây đã rời khỏi trạm và đi về hướng nhà điều hành BOT Cai Lậy.
Sáng cùng ngày, ông Trần Văn Bon ký công văn số 1754, gửi Bộ GTVT để báo cáo tình hình tại BOT Cai Lậy. Theo báo cáo, sau khi trạm Cai Lậy đưa vào hoạt động hơn một tuần, ngày 9/8, có 14 ôtô gắn logo "Bạn hữu đường xa" chạy chậm từ hướng Mỹ Thuận về Trung Lương, tạo thành đoàn nối đuôi vào trạm để phản đối giá vé và vị trí đặt trạm.
Trạm thu phí chỉ còn bảo vệ trông giữ. Ảnh: Việt Tường. |
Đến chiều 13/8, nhiều tài xế sử dụng tiền lẻ qua trạm đã gây ùn tắc giao thông kéo dài trên quốc lộ 1 và đường tránh thị xã Cai Lậy khoảng 3 km. Trước tình hình này, BOT Tiền Giang cho xả trạm nửa giờ. Đến 20h, trạm Cai Lậy tiếp tục kẹt xe, buộc phải xả trạm lần 2 đến 0h ngày 14/8.
16h20 ngày 14/8, có khoảng 35 tài xế của nhóm "Bạn hữu đường xa" chạy xe chậm vào trạm Cai Lậy và dùng tiền lẻ mua vé. Do tài xế kiểm đếm tiền lẻ thật lâu khiến cho hàng trăm ôtô bị ùn tắc kéo dài hơn 1 km về hướng thị xã Cai Lậy.
BOT Tiền Giang sau đó xả trạm Cai Lậy và đóng lại sau vài phút giải tỏa ách tắc giao thông. Tuy nhiên, tình trạng kẹt xe tiếp tục diễn ra khi có khoảng 20 người tụ tập quanh trạm để la hét nên BOT Cai Lậy xả trạm đến sáng 15/8.
"6h ngày 15/8, nhà đầu tư triển khai thu giá trở lại thì có một nhóm người quá khích cản trở. Nhà đầu tư tiếp tục xả trạm, trích xuất dữ liệu camera, cung cấp thông tin phương tiện có hoạt động chống đối bằng cách đưa tiền mệnh giá thấp hay gây khó khăn cho công tác thu giá, gửi đến công an", báo cáo của Sở GTVT Tiền Giang nêu.
Báo cáo của Sở GTVT Tiền Giang gửi Bộ GTVT ngày 15/8. Ảnh: Việt Tường. |
Từ những diễn biến liên quan, Sở GTVT Tiền Giang đề nghị BOT Tiền Giang không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự ở khu vực trạm. Trường hợp ùn tắc giao thông từ 500-1.000 m phải xả trạm để giao thông được thông suốt.
Sở GTVT Tiền Giang kiến nghị Trung ương xem xét giảm giá tại BOT Cai Lậy nhằm giảm chi phí vận tải và giảm giá cho hàng hóa lưu thông từ miền Tây đi các tỉnh, thành và ngược lại. Đối với các tuyến xe buýt có lộ trình qua trạm và người dân kinh doanh vận tải (tại 4 xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, Phú An của huyện Cai Lậy) sẽ được giảm giá 50 %.
Đối với người dân có ôtô cá nhân, không kinh doanh vận tải tại xã Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú, Phú An được tỉnh Tiền Giang đề nghị Bộ GTVT xem xét miễn phí qua trạm.