Tại cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Phnom Penh, Campuchia, hai bên đánh giá cao kết quả các tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước, tạo động lực cho quan hệ Việt - Mỹ, theo thông cáo Bộ Ngoại giao.
Hai bên nhất trí phối hợp triển khai hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao, tăng cường khai thác hiệu quả hơn tiềm năng thương mại và đầu tư, thúc đẩy hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh.
Hai bộ trưởng nhất trí sẽ trao đổi, phối hợp tại các diễn đàn khu vực và quốc tế về những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có tăng cường hợp tác với ASEAN, tiểu vùng Mekong, xử lý các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, nâng cao năng lực hàng hải...
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. Ảnh: Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. |
4 cuộc gặp cấp bộ trưởng
Gặp Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jil, Bộ trưởng Sơn nhất trí trọng tâm thời gian tới là tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao và nâng cấp quan hệ song phương lên đối tác chiến lược toàn diện.
Bộ trưởng Sơn đề nghị hai bên tái khởi động các cơ chế hợp tác song phương, trong đó bao gồm cơ chế Đối thoại chiến lược về Chính trị, an ninh, quốc phòng.
Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Australia Penny Wong, hai bên khẳng định sẽ hợp tác hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Bộ trưởng Sơn đề nghị hai nước tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng chất lượng cao, sử dụng và quản lý bền vững nguồn nước, ứng phó biến đổi khí hậu, nông nghiệp công nghệ cao và phát triển nhân lực.
Australia khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam và ASEAN thúc đẩy phát triển bền vững tiểu vùng Mekong, trước mắt nghiên cứu dự án hợp tác ba bên Việt Nam - Australia - Lào. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận lời thăm chính thức và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Australia lần thứ tư.
Gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Timor Leste Adaljiza Albertina Xavier Reis Magno, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhất trí sẽ phối hợp triển khai các thoả thuận như Hiệp định khung về Hợp tác Kỹ thuật và Kinh tế, Hiệp định Thương mại, mở rộng hợp tác nông nghiệp, y tế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, du lịch và giao lưu nhân dân, tổ chức họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Timor Leste tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là Viettel/Telemor kinh doanh. Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nước này gia nhập ASEAN.
Đối thoại ARF thực chất, sâu rộng
Cũng trong chiều 5/8, trong khuôn khổ Hội nghị AMM55 và các hội nghị liên quan, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dự Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 29 tại Phnom Penh.
Các nước điểm lại tình hình hoạt động và đề xuất định hướng phát triển ARF thời gian tới. Các nước khẳng định ARF là diễn đàn quan trọng bậc nhất của ASEAN.
Các nước nhất trí ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực cứu trợ thảm họa, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, hợp tác quốc phòng, gìn giữ hòa bình, chống phổ biến vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị... và thống nhất danh mục các hoạt động 2022-2023.
Việt Nam sẽ đồng chủ trì một số hoạt động về thực thi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982), an ninh y tế, an ninh, an toàn hạt nhân...
Trên tinh thần đối thoại thẳng thắn và thực chất, các nước đã dành nhiều thời gian trao đổi về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế, đặc biệt là các diễn biến phức tạp, căng thẳng gần đây như ở Biển Đông, Myanmar, Ukraine, bán đảo Triều Tiên, eo biển Đài Loan.
Chia sẻ quan ngại chung, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đặc biệt đề cao tầm quan trọng của đối thoại, hợp tác thiện chí và đóng góp trách nhiệm vì mục tiêu chung là hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển.
Khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, Bộ trưởng Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kêu gọi xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, ổn định và hợp tác.
ASEAN và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố DOC và sớm đạt Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Trước những diễn biến vừa qua trong khu vực, Bộ trưởng Sơn nhắc lại lập trường của ASEAN và Việt Nam, kêu gọi các bên kiềm chế, tránh làm phức tạp tình hình, giải quyết bất đồng, tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc và Hiệp ước Thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á (TAC).
Bộ trưởng Sơn cũng cho biết ASEAN sẽ duy trì can dự với Myanmar, thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm của lãnh đạo ASEAN vì lợi ích của người dân Myanmar và vì hòa bình, ổn định, phát triển ở khu vực.
Hội nghị thông qua các Tuyên bố ARF về thúc đẩy hòa bình, ổn định thông qua các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, duy trì khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân, và Tài liệu khung ARF về các tiến trình bao trùm vì ngoại giao phòng ngừa và giải quyết xung đột.
Diễn đàn ARF lần thứ 29 là hoạt động cuối cùng, khép lại tuần làm việc khẩn trương và bận rộn của bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và đối tác trong khuôn khổ AMM55 và các hội nghị liên quan tại Phnom Penh, Campuchia.