“Chúng tôi đã thảo luận toàn diện về những diễn biến gần đây ở Myanmar và bày tỏ quan ngại về cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài, bao gồm cả việc hành quyết 4 nhà hoạt động phe đối lập”, Reuters trích tuyên bố chung của các ngoại trưởng ASEAN hôm 5/8.
Tuyên bố cũng đề xuất rằng ASEAN sẽ đánh giá tiến độ triển khai kế hoạch hòa bình của chính quyền quân sự Myanmar tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11, "để đưa ra quyết định về các bước tiếp theo".
Trước đó, trong cuộc gặp với các ngoại trưởng ASEAN tại Phnom Penh, hôm 3/8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen cũng cho biết ASEAN sẽ buộc phải xem xét lại kế hoạch hòa bình nếu các nhà cầm quyền quân sự của Myanmar hành quyết nhiều tù nhân hơn.
Chiếc ghế dành cho đại điện phía Myanmar bị bỏ trống tại hội nghị ngoại trưởng các nước ASEAN ngày 3/8 tại Phnom Penh. Ảnh: AFP. |
Chính quyền quân sự Myanmar hôm 25/7 đã hành quyết 4 nhà hoạt động với cáo buộc hỗ trợ "các hành động khủng bố". Quân đội Myanmar cho rằng các vụ hành quyết là "công lý cho người dân", bất chấp sự lên án của nhiều nước.
Myanmar là một thành viên ASEAN. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền quân sự nước này không được mời tham dự cuộc họp của khối cho đến khi đạt được tiến bộ trong kế hoạch hòa bình.
Hồi tháng 4/2021, các nước ASEAN thông qua nguyên tắc Đồng thuận 5 điểm nhằm kêu gọi chấm dứt bạo lực, tăng cường đối thoại và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho Myanmar. Tuy nhiên, đến nay, có rất ít dấu hiệu cho thấy bạo lực ở Myanmar sẽ kết thúc.