Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng 25 tuổi Malaysia: Vượt định kiến người trẻ làm chính trị

Cách đây 2 tháng, anh Syed Saddiq khiến dư luận "dậy sóng" khi trở thành bộ trưởng trẻ nhất Malaysia, anh là minh chứng sống cho thấy người trẻ có thể theo đuổi đam mê chính trị.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) ngày 11/9, anh Syed Saddiq Abdul Rahman, bộ trưởng trẻ nhất của Malaysia, gây ấn tượng với khả năng nói tiếng Anh nhuần nhuyễn và phong thái tự tin, đĩnh đạc. 

Vị bộ trưởng 25 tuổi chia sẻ kinh nghiệm với những người trẻ, khuyến khích họ theo đuổi đam mê, "cho dù mục tiêu có thể khó khăn như trở thành chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp". Bản thân anh là một minh chứng sống cho thấy người trẻ hoàn toàn có thể đảm nhiệm vị trí quan trọng trong chính quyền. 

Trước khi được bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia khi mới 25 tuổi, anh Syed Saddiq là phát ngôn viên và một trong những người sáng lập đảng cầm quyền do Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo.  

Bo truong tre nhat Malaysia Syed Saddiq anh 1
Anh Syed Saddiq Abdul Rahman được bổ nhiệm vào vị trí bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia năm 25 tuổi. Ảnh: AFF.

Người 2 lần từ chối học bổng Oxford

Syed Saddiq Abdul Rahman sinh ngày 6/12/1992 tại Johor, Malaysia. Anh từng theo học tại Đại học Quân Đội Hoàng Gia, sau đó nhận bằng cử nhân luật tại Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia. Tài năng trẻ từng gây ấn tượng khi ba lần đoạt giải diễn giả xuất sắc nhất châu Á tại cuộc thi hùng biện do Anh quốc tổ chức.

"Hùng biện không phải là tranh luận với người khác, mà bạn cần đưa ra giải pháp để giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn", anh Syed Saddiq trả lời The Star Online hồi năm 2015. 

"Tôi cảm thấy buồn (khi không còn là nhà hùng biện), nhưng tôi cũng vô cùng hào hứng khi được sử dụng kiến thức và kinh nghiệm đã có để theo đuổi con đường chính trị", anh nói. 

Bộ trưởng trẻ tuổi nhất Malaysia còn là một người có ảnh hưởng trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội. Instagram của Syed Saddiq hiện có 1,4 triệu người theo dõi. Những bức ảnh trên trang cá nhân của anh thu hút hàng nghìn người bấm thích.

Các video nói chuyện của tân bộ trưởng trên Facebook hay Youtube có hơn 800.000 người xem và hàng nghìn lượt chia sẻ, tương tác. Những con số cho thấy sức hút không hề nhỏ của Syed Saddiq.

Năm 2017, anh từ chối học bổng trị giá gần 100.000 USD của Đại học Oxford, Anh, để theo đuổi hoạt động chính trị. Sau khi được bầu làm bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Malaysia, một lần nữa anh từ chối học bổng thạc sĩ Chính sách công của Đại học Oxford vì muốn ở lại để “phục vụ đất nước”.

"(Học bổng Oxford) là một giấc mơ chưa bao giờ phai nhạt trong tâm trí tôi", New Straits Times dẫn phát biểu của Syed Saddiq trong một cuộc họp báo hồi tháng 10/2017. "Tuy nhiên, dù tôi có yêu thích Đại học Oxford như thế nào, tình cảm này cũng không thể sánh với tình yêu tổ quốc". 

Bo truong tre nhat Malaysia Syed Saddiq anh 2
Anh Syed Saddiq đoạt giải diễn giả xuất sắc nhất châu Á năm 2014. Ảnh: Facebook/Syed Saddiq.

Tại cuộc họp báo trên, Syed Saddiq đồng thời cho biết anh từng nhận được đề nghị đút lót trị giá hơn 1 triệu USD, gia đình anh cũng nhiều lần bị đe dọa vì anh hoạt động chính trị. 

"Dù tôi có được đề nghị số tiền hối lộ lớn đến mức nào, hoặc gia đình tôi có bị đe dọa nặng nề ra sao, tôi cũng thà chết còn hơn đánh mất phẩm giá", anh nói. 

Hồi tháng 4, Syed Saddiq từng bị ông Hishammuddin Hussein, cựu phó tổng thống dưới thời ông Najib Razak, gọi là "một chú mèo con khờ dại".

"Gần như mọi việc tôi làm, kể cả những bộ đồ tôi mặc, đều không thoát khỏi cái nhìn dò xét của mọi người", anh nói. "Nhưng tôi không nghĩ bổn phận của mình là phải quan tâm đến những điều ấy. Ánh đèn sân khấu có thể nghiền nát một con người, nó cũng đồng thời có thể truyền năng lượng và tác dụng tích cực. Nếu thành công, tôi sẽ chứng minh rằng việc bổ nhiệm một bộ trưởng trẻ không hề tồi tệ". 

Ngày 2/7, Syed Saddiq tuyên thệ nhậm chức Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao tại cung điện Hoàng gia Malaysia cùng với 13 tân bộ trưởng khác. Chàng trai 25 tuổi chính thức trở thành bộ trưởng trẻ nhất của Malaysia.

Quá khứ "cực đoan và phân biệt chủng tộc"

Trong một cuộc phỏng vấn với Malay Mail năm 2016, bộ trưởng 25 tuổi khẳng định anh từng là "một con người hoàn toàn khác". 

"Tôi có thể nói tiếng Anh, nhưng tiếng Anh của tôi không thực sự tốt. Tôi chưa bao giờ đạt điểm A trong những bài kiểm tra tiếng Anh, mà các kỳ thi Anh văn của Malaysia không hề khó", Syed Saddiq nói. "Kiến thức của tôi thực sự tệ. Tôi từng nghĩ châu Phi là một nước, còn Ai Cập là châu lục". 

Syed Saddiq thừa nhận anh không tự hào vì thái độ phân biệt chủng tộc của mình trong quá khứ. Anh cho biết mình từng là tín đồ Hồi giáo cực đoan, chỉ giao du với người đạo Hồi và thường xuyên cho rằng "những người không cầu nguyện sẽ phải xuống địa ngục và bị thiêu hủy ở địa ngục". 

"Mọi người cho rằng: 'Ôi, người này phân biệt chủng tộc, người kia cực đoan và họ không thể thay đổi'. Tôi từng chính xác là con người như vậy và tôi đã thay đổi", anh nói. 

Nói về quan điểm chính trị của bản thân, Syed Saddiq cho rằng điều cốt lõi tạo nên sự thay đổi ở Malaysia không thể đạt được thông qua quân đội, cũng không phải là trở thành luật sư (Syed Saddiq có bằng cử nhân luật). 

"Chính trị là điều cốt lõi. Nếu tôi muốn thay đổi đất nước, tôi phải tham gia vào chính trị", anh trả lời Malay Mail cách đây 2 năm. "Không có nghĩa là tôi phải trở thành chính trị gia, tôi có thể là người "gây sức ép" lên các chính trị gia hoặc trở thành một nhà hoạt động".

Sau bài phỏng vấn này, Syed Saddiq trở thành lãnh đạo Armada, tổ chức trẻ của đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia (BERSATU) do Thủ tướng Mahathir Mohamad lãnh đạo. Không chỉ là phát ngôn viên của BERSATU từ khi đảng này thành lập năm 2016, Syed Saddiq còn được xem là một trong những người sáng lập BERSATU và là thành viên của hội đồng lãnh đạo đảng, theo Channel NewsAsia.

Bo truong tre nhat Malaysia Syed Saddiq anh 3
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) hôm 11/9,  Syed Saddiq gây ấn tượng với khả năng nói tiếng Anh lưu loát, dù anh khẳng định mình từng không giỏi ngôn ngữ này. Ảnh: WEF.

Trên cương vị Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia, Syed Saddiq hướng đến mục tiêu giảm độ tuổi đủ điều kiện bỏ phiếu từ 21 xuống còn 18 tuổi trước tổng tuyển cử Malaysia lần thứ 15 vào năm 2023.

Trước khi hoàn thành mục tiêu này, anh Syed Saddiq cho rằng chính phủ Malaysia cần ban hành chương trình tiếp cận chính trị cho học sinh trung học, tương tự cách nhiều quốc gia khác đã thực hiện. 

"Tại những nước này, thanh niên độ tuổi từ 17-18 đã được bỏ phiếu từ những năm 1960. Vậy, vì sao tại Malaysia, nhiều người vẫn nghĩ giới trẻ không đủ nhận thức (để bầu cử) và gắn mác 'WeChat' (ứng dụng nhắn tin phổ biến ở Malaysia) cho độ tuổi này", anh phát biểu. 

Theo Syed Saddiq, chương trình Quốc hội Thanh niên của Malaysia là một trong những chương trình tiếp cận có thể giúp thanh, thiếu niên sớm làm quen với chính trị. Các thành viên của Quốc hội Thanh niên, những người trong độ tuổi 18 - 30, được tham dự các buổi mô phỏng thủ tục ban hành luật tương tự công việc của các thành viên quốc hội.

Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia cho rằng việc giảm độ tuổi bầu cử từ 21 xuống 18 đồng nghĩa với việc lượng cử tri của Malaysia sẽ tăng thêm 3,7 triệu người, tức khoảng 25% tổng số công dân đi bầu trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 5. 

"Điều này có nghĩa rằng cử tri trẻ tuổi ngày càng chiếm phần lớn, vì vậy, họ không thể bị bỏ mặc trong nền chính trị Malaysia", Syed Saddiq nói. 

Quân bài chiến lược của Thủ tướng Mahathir 

Malaysia là quốc gia có dân số trẻ với độ tuổi trung bình là 28, South China Morning Post dẫn báo cáo của Cục Thống kê Malaysia. Tuy nhiên, thủ tướng đương nhiệm của Malaysia, ông Mahathir Mohamad, đã 93 tuổi, gấp 3 lần độ tuổi trung bình. Như vậy, câu hỏi được nhiều người quan tâm là làm cách nào ông có thể giành sự ủng hộ từ giới trẻ?

Mối quan hệ giữa Thủ tướng Mahathir và Bộ trưởng Syed Saddiq rõ ràng có vai trò quan trọng trong vấn đề này, SCMP nhận định. Anh Syed Saddiq luôn là nhân tố quan trọng trong "chiến dịch thanh niên" của ông Mahathir.

Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao cũng nhiều lần dành những lời có cánh cho đương kim thủ tướng: "Ông ấy rất thích giảng dạy và huyên thuyên, theo cách tích cực". 

"(Mối quan hệ giữa tôi và ông Mahathir) không chỉ đơn thuần xoay quanh vấn đề chính trị, mà giống như bố-con hoặc ông-cháu hơn", anh Syed Saddiq nói. 

Bo truong tre nhat Malaysia Syed Saddiq anh 4
Syed Saddiq được kỳ vọng sẽ là cầu nối giữa Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad và nhóm cử tri trẻ. Ảnh: SCMP.

Theo SCMP, vai trò của Syed Saddiq đối với Mahathir trong nhiều trường hợp còn quan trọng hơn thế: Bộ trưởng trẻ giúp thủ tướng cao tuổi tạo dựng hình ảnh thân thiện và kết nối hơn với truyền thông và các cử tri. Anh Syed Saddiq gần như lúc nào cũng xuất hiện cạnh ông Mahathir trong các cuộc họp báo hoặc trong các bài viết và hình ảnh trên mạng xã hội.

Trong một video được đăng tải lên Youtube hồi đầu năm, khi đang thảo luận về vấn đề trang bị tiếng Anh cho người trẻ, anh Syed Saddiq gọi ông Mahathir một cách vui đùa là "cikgu Mahathir" (nghĩa là "thầy Mahathir"), cách xưng hô hiếm người dám sử dụng với thủ tướng. 

Dù vậy, SCMP nhận định vẫn quá sớm để xem Syed Saddiq là "người thừa kế" của ông Mahathir, người có hơn 70 năm kinh nghiệm trong chính trường Malaysia. Bộ trưởng trẻ tuổi vẫn cần chứng tỏ anh đủ chín chắn để thành công không chỉ trong thời gian ông Mahathir đương nhiệm. 

Hơn thế nữa, quan điểm chính trị của Thủ tướng Mahathir và nhóm cử tri trẻ của Malaysia vẫn còn nhiều khác biệt trong phần lớn lĩnh vực như kinh tế, xã hội và quyền công dân.

Và thử thách của Bộ trưởng Syed Saddiq là trở thành cầu nối giúp giải quyết sự khác biệt đó. Với 2 tháng đương nhiệm vừa qua, còn quá sớm để đánh giá anh có thành công hay không. 

Bộ trưởng 25 tuổi Malaysia: Theo đuổi đam mê để làm nên điều kỳ diệu

Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia chia sẻ kinh nghiệm của bản thân và gửi thông điệp tới các bạn trẻ trong khuôn khổ Hội nghị WEF ASEAN sáng nay tại Hà Nội.

Malaysia sẽ cứng rắn hơn trong tranh chấp ở Biển Đông

Ngoại trưởng Malaysia cho biết nước này sẽ cứng rắn hơn và nghiêm túc hơn trong giải quyết tranh chấp trên biển trong bối cảnh TQ gia tăng các hoạt động quân sự hóa tại khu vực.





Chi Mai

Bạn có thể quan tâm