Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Malaysia sẽ cứng rắn hơn trong tranh chấp ở Biển Đông

Ngoại trưởng Malaysia cho biết nước này sẽ cứng rắn hơn và nghiêm túc hơn trong giải quyết tranh chấp trên biển trong bối cảnh TQ gia tăng các hoạt động quân sự hóa tại khu vực.

Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah ngày 25/7 cho biết chính phủ mới của Thủ tướng Mahathir Mohamad sẽ theo đuổi lập trường cứng rắn hơn trong tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, theo AP.

Trước đó, ông Mahathir từng có phát biểu phản đối việc tàu chiến các nước tăng cường hiện diện tại vùng biển khu vực.

Theo ông Saifuddin, tân thủ tướng đang gửi tín hiệu thông báo chính phủ Malaysia muốn "cứng rắn hơn và nghiêm túc hơn" trong giải quyết tranh chấp trên biển.

tranh chap Bien Dong anh 1
Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah. Ảnh: TMR.

Phát biểu trước quốc hội, Ngoại trưởng Saifuddin nói Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giống một văn bản "không có nanh vuốt" khi thả lỏng quy định hướng dẫn các thành viên hành xử trong vùng biển tranh chấp. 

Ông cũng cho rằng các hoạt động quân sự hóa đang tiếp diễn của Trung Quốc trên vùng biển khu vực đã làm gia tăng lo ngại cho các bên. Ngoại trưởng Malaysia nhấn mạnh những hoạt động này có thể dẫn đến leo thang căng thẳng khu vực.

Ngoài ra, ông Saifuddin còn chỉ trích Trung Quốc gây căng thẳng với láng giềng khi điều động tàu tuần duyên có sức mạnh tương tự tàu chiến đến các vùng giàu trữ lượng dầu khí.

Tại cuộc họp các bộ trưởng ASEAN ở Singapore vào tuần tới, ông Malaysia sẽ tìm cách tăng tốc đàm phán Bộ Quy tắc Ứng xử các bên ở Biển Đông (COC) nhằm đảm bảo hòa bình trên Biển Đông.

Ông Saifuddin đồng thời nhấn mạnh tất cả các bên liên quan trong vấn đề Biển Đông cần tự kiềm chế và mọi hành động phải dựa trên luật pháp quốc tế.

tranh chap Bien Dong anh 2
Tàu sân bay Trung Quốc cùng hàng chục tàu chiến hộ tống tháng 3 đã tổ chức tập trận rầm rộ ngoài khơi đảo Hải Nam. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc và ASEAN từ đầu năm 2018 đã đồng ý khởi động tiến trình đàm phán COC. Tuy nhiên, nhiều quan chức ngoại giao cũng cảnh báo rằng quá trình này có thể tốn rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cũng hoài nghi về tính hiệu quả của COC nếu các nước thành viên không đạt được thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý.

Các hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua vẫn tiếp diễn bất chấp lo ngại an ninh của khu vực và quốc tế. Lầu Năm Góc ngày 23/5 đã rút lời mời Trung Quốc tham dự tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 (RIMPAC) vì các động thái quân sự hóa của nước này trên vùng biển khu vực.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã liên tiếp lên án các động thái của Trung Quốc những tháng qua vi phạm nghiêm trọng chủ quyền Việt Nam đối với các quần đảo, đi ngược lại Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc, vi phạm DOC, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm xây dựng COC.

Máy bay ném bom H-6K hạ cánh tại Hoàng Sa Các nhà phân tích quân sự nhận định địa điểm H-6K diễn tập hạ cánh trên biển Đông chính là đảo Phú Lâm, Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

Trung Quốc triển khai tàu ngầm trí tuệ nhân tạo sau 2020

Các nhà nghiên cứu hy vọng tàu ngầm trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ có thể nâng cao sức mạnh hải quân Trung Quốc tại các vùng biển chiến lược. Tuy nhiên, tàu AI vẫn còn nhiều hạn chế.



Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm