Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang phát triển loại tàu ngầm thông minh không người lái kích cỡ lớn. Các nhà khoa học cho biết những con tàu mới sẽ thực hiện các nhiệm vụ từ trinh sát đến phóng ngư lôi hoặc thậm chí là tấn công tự sát tàu địch.
Tàu ngầm robot tự động dự kiến sẽ được triển khai vào đầu những năm 2020. Các nhà nghiên cứu hy vọng tàu AI sẽ có thể cạnh tranh với lực lượng phương Tây tại các vùng biển chiến lược như Biển Đông và phía tây Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tàu AI sẽ không thay thế hoàn toàn các loại tàu ngầm do con người điều khiển.
Tàu ngầm Trung Quốc trên Ấn Độ Dương. Ảnh: AFP. |
Tàu ngầm tự động có thể tấn công cảm tử
Dự án này là một phần trong kế hoạch của chính phủ Trung Quốc nhằm nâng cao sức mạnh hải quân nhờ công nghệ AI. Bắc Kinh đã xây dựng cơ sở thí nghiệm lớn nhất thế giới cho các tàu mặt nước không người lái ở Chu Hải, Quảng Đông.
Thế hệ tàu ngầm mới sẽ phối hợp với các lực lượng quân sự khác để thực hiện nhiệm vụ, triển khai ngư lôi và phục kích mục tiêu. Chúng có thể thiết lập đường dây liên lạc với chỉ huy mặt đất để cập nhật thông tin định kỳ và tự động quay về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Những tàu robot trong môi trường dưới biển phức tạp sẽ dựa vào hệ thống AI để tự quyết định thay đổi đường đi hoặc độ sâu nhằm tránh bị phát hiện, phân biệt tàu thuyền dân sự với tàu quân sự và phải tự tìm cách tiếp cận khả dĩ nhất đối với một địa điểm ấn định.
Đặc biệt, các nhà khoa học cho biết tàu AI có thể nhận lệnh tấn công cảm tử đối với các tàu ngầm hạt nhân hoặc các mục tiêu cấp cao.
“AI không có tâm hồn. Nó hoàn hảo cho những nhiệm vụ này”, Lin Yang, giám đốc thiết bị công nghệ hàng hải tại Viện Tự động Thẩm Dương, Học viện Khoa học Trung Quốc, nói.
Lin cho rằng tàu ngầm AI sẽ có thể giúp Trung Quốc đối phó với những loại vũ khí tương tự đang được Mỹ phát triển. Tuy nhiên, ông từ chối cung cấp thêm các chi tiết kỹ thuật cụ thể.
"Trước sau gì cũng sẽ có thông báo, nhưng không phải bây giờ", ông nói.
Tàu ngầm sử dụng máy phát điện diesel của Hải quân Trung Quốc. Ảnh: Sina military. |
Năm ngoái, Mỹ đã thỏa thuận với nhà thầu quốc phòng Lockheed Martin về 2 mẫu tàu ngầm không người lái. Theo đó, Mỹ sẽ chọn ra một mẫu để sản xuất 9 phương tiện. Hệ thống Orca này có khả năng liên lạc với căn cứ và tự động trở về sau khi triển khai ngư lôi.
“Lợi ích của Orca là ở việc con người có thể triển khai, thu hồi và vận hành phương tiện từ căn cứ một cách an toàn”, Lockheed Martin cho biết.
Phía Nga cũng được cho là đã chế tạo thiết bị tàu ngầm tự động cỡ lớn có khả năng chở vũ khí hạt nhân. Theo những thông tin mới tiết lộ, ngư lôi tự động Status-6 có thể tự động di chuyển tốc độ cao từ châu lục này tới châu lục khác và mang theo đầu đạn 100 triệu tấn.
Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết các loại tàu ngầm mới của nước này sẽ không trang bị vũ khí hạt nhân.
Còn nhiều hạn chế, chỉ thực hiện nhiệm vụ đơn giản
Ưu điểm của tàu ngầm AI là nó có thể được sản xuất và vận hành trên quy mô lớn với chi phí thấp. Các loại tàu ngầm truyền thống vốn đã có chi phí cao do việc thiết kế phải đảm bảo an toàn cho thủy thủ đoàn.
Theo Lockheed Martin, toàn bộ hệ thống Orca sử dụng AI có giá khoảng 40 triệu USD trong khi tàu ngầm thông thường Ohio của Mỹ tốn 2 tỷ USD.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Trung Quốc khẳng định tàu ngầm AI không nhằm mục đích thay thế hoàn toàn con người. Các quyết định tấn công hay không tấn công sẽ vẫn thuộc về chỉ huy tàu.
Các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận AI vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt ở giai đoạn đầu mới phát triển. Vấn đề kỹ thuật đang đặt ra thách thức lớn. Trang thiết bị cần đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng và độ tin cậy bởi trên tàu sẽ không có người sửa chữa nếu xảy ra lỗi.
“AI sẽ không thay thế con người. Môi trường dưới biển tương đối phức tạp. Tôi không nghĩ robot có thể hiểu hoặc đối phó với mọi thách thức”, Luo Yuesheng, giáo sư tại Viện Tự động thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, nhận định.
Theo ông Luo, nhiệm vụ của tàu ngầm AI có thể sẽ chỉ giới hạn ở những nhiệm vụ tương đối đơn giản.