“Một điều thú vị đối với tôi là giới trẻ Đông Nam Á vô cùng lạc quan về tương lai việc làm và ảnh hưởng của công nghệ với thu nhập”, ông Justin Wood, giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), chia sẻ hôm 11/9.
Tinh thần lạc quan bất ngờ
Trong khi trên thế giới có nhiều lo ngại rằng Cách mạng Công Nghiệp 4.0 có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp, theo kết quả khảo sát ý kiến người trẻ tại ASEAN về ảnh hưởng của công nghệ đối với việc làm, 52% người dưới 35 tuổi tin rằng công nghệ sẽ tạo thêm việc làm, trong khi 67% cho rằng công nghệ sẽ giúp họ có thu nhập cao hơn.
Cuộc khảo sát được WEF phối hợp thực hiện cùng Sea, tập đoàn Internet có trụ sở tại Singapore, thu thập dữ liệu từ 64.000 công dân ASEAN chủ yếu từ 6 nước: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Philippines và Việt Nam.
Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của WEF Justin Wood. Ảnh: WEF. |
Chia sẻ lý do tiến hành khảo sát, ông Wood nhận định Cách mạng Công nghiệp 4.0 đang tác động đến mọi mặt cuộc sống tại mọi quốc gia, đặc biệt là thị trường lao động ở ASEAN, nơi nguồn nhân lực trẻ đang ngày càng mở rộng. Dân số thuộc độ tuổi lao động trong khu vực tăng 11.000 người mỗi ngày và tiếp tục phát triển với tốc độ này trong 15 năm tới.
“Công nghệ trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, người máy, và phương tiện tự hành sẽ mang đến đột phá đáng kể trong thị trường việc làm", ông Wood nêu rõ. "Điều quan trọng đối với các nước là hiểu rõ ảnh hưởng của những đột phá trong công nghệ".
Dẫu vậy mức độ lạc quan của các quốc gia lại có sự khác biệt lớn. Trong khi Philippines đứng đầu với 60% người được khảo sát cho rằng công nghệ sẽ giúp tạo việc làm, số liệu tương ứng với Singapore chỉ khoảng 30%. Tại Việt Nam, hơn một nửa số người trẻ được hỏi đều có cái nhìn lạc quan về ảnh hưởng của công nghệ với việc làm.
Theo ông Satirtarn Sathirathai, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tập đoàn Sea, nguyên nhân của sự khác biệt lớn có liên quan tới độ tuổi và trình độ giáo dục. Ông giải thích rằng người trẻ tuổi có cái nhìn lạc quan hơn. Đồng thời, những nước có thế hệ trẻ học càng cao thì càng bi quan.
Ông Satirtarn Sathirathai (giữa), trưởng nhóm chuyên gia kinh tế tập đoàn Sea, phát biểu tại họp báo cùng ông Justin Wood hôm 11/9. Ảnh: WEF. |
"Hãy theo đuổi đam mê"
Khảo sát cũng cho thấy thế hệ trẻ mong muốn có thu nhập ổn định và thường muốn làm việc trong các công ty đa quốc gia và nhà nước. Tuy nhiên, tinh thần doanh nghiệp đang trên đà phát triển. Tại Thái Lan, 36% nói rằng họ muốn làm chủ trong tương lai. Đối với Việt Nam, số liệu người trẻ hiện tự làm chủ là 19%, nhưng 25% cho biết họ muốn khởi nghiệp trong tương lai.
“Động lực khởi nghiệp trong giới trẻ ASEAN rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, kết quả cũng cho thấy các công ty vừa và nhỏ sẽ gặp khó khăn về việc tìm kiếm lao động khi chỉ có một bộ phận nhỏ trong giới trẻ muốn làm trong các công ty này (7%). Về lâu dài, việc quan trọng đối với các doanh nhân trẻ và doanh nghiệp nhỏ là tăng cường áp dụng công nghệ số sẽ đảm bảo có đủ nguồn lực cần thiết để phát triển”, ông Sathirathai nhận định.
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Abdul Rahman. Ảnh: WEF. |
Kết quả khảo sát được công bố bên lề Diễn đàn mở với chủ đề “ASEAN 4.0 cho tất cả? Làm thế nào để các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tranh thủ các cơ hội trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.
Tại phiên thảo luận, sinh viên một số trường đại học tại Việt Nam đã có dịp trao đổi trực tiếp với các diễn giả gồm đại diện chính phủ một số nước và lãnh đạo doanh nghiệp.
Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Malaysia Syed Saddiq Abdul Rahman, một trong các diễn giả, đã chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra lời khuyên với các bạn trẻ.
"Hãy theo đuổi những đam mê của mình, cho dù mục tiêu có thể khó khăn như trở thành chính trị gia, lãnh đạo doanh nghiệp trẻ", ông nói. Bộ trưởng Syed Saddiq, 25 tuổi, là bộ trưởng trẻ nhất của Malaysia.
Hội nghị WEF ASEAN là một trong những hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng và lớn nhất của Việt Nam trong năm 2018, diễn ra từ ngày 11-13/9 tại thủ đô Hà Nội. Khoảng 1.000 đại biểu quốc tế và trong nước đến tham dự Hội nghị, trong đó có lãnh đạo cấp cao nhiều nước ASEAN và trong khu vực, cũng như lãnh đạo các tập đoàn kinh tế hàng đầu trên thế giới.
Hội nghị dự kiến có khoảng 55 thảo luận, tập trung vào những vấn đề chính phủ, doanh nghiệp và người dân các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, đang quan tâm trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0.