Bộ Tài chính đã thông báo tới Bộ Công Thương về việc tăng một số chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu. Ảnh: Việt Linh. |
Chiều tối ngày 7/10, Bộ Tài chính cho biết đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng trong giá cơ sở xăng dầu.
Cùng với điều chỉnh này, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương có phương án điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp để việc tăng phần chi phí định mức kể trên không tác động làm tăng giá cơ sở tại kỳ điều hành tiếp theo.
Cơ quan quản lý tài khóa cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương trong việc rà soát, đánh giá các yếu tố chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, Nhà nước và doanh nghiệp. Trong đó, có tính đến mục tiêu kiểm soát lạm phát Chính phủ đã đề ra.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết thêm hiện Nhà nước không quy định chiết khấu trong hệ thống kinh doanh xăng dầu. Do đó, yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên.
“Chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng, năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp, số lượng các kênh trung gian trong hệ thống kinh doanh xăng dầu và sự phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống”, đại diện Bộ Tài chính thông tin.
Vì vậy, Bộ Tài chính cho rằng cần nghiên cứu rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề xuất thay đổi cách tính giá cơ sở với mặt hàng xăng dầu phù hợp với tình hình mới. Ảnh: Duy Hiệu. |
Cơ quan này cho biết thêm hiện nay, thủ tục xuất nhập khẩu đối với mặt hàng xăng dầu vẫn được thực hiện thuận lợi. Để rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan, góp phần cho doanh nghiệp kịp thời đưa hàng hóa vào lưu thông trên thị trường, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan các địa phương thực hiện thông quan nhanh chóng, 24/7 đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu, kể cả ngày nghỉ, ngày lễ.
Trước đó, 36 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở TP.HCM và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã có đơn kiến nghị đến Chính phủ, phản ánh tình hình kinh doanh khó khăn trong thời gian qua.
Cụ thể, các doanh nghiệp này cho biết Nghị định 95 quy định thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối xăng dầu không được bán cao hơn giá bán lẻ do Nhà nước công bố. Tuy nhiên, các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách lách quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0.
Điều này đồng nghĩa với việc khi cộng phí vận chuyển thì doanh nghiệp bán lẻ mua vào xăng dầu với giá cao hơn giá bán lẻ quy định. Kết quả là nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang chịu lỗ trên mỗi lít xăng dầu bán ra.
Các doanh nghiệp cho rằng việc kinh doanh dưới giá vốn này là nguyên nhân khiến các nhà bán lẻ không nhập hàng một cách dồi dào, dẫn tới rủi ro đứt nguồn cung như thời gian qua.
Vì vậy, các doanh nghiệp cho rằng phải thay đổi cách tính giá cơ sở phù hợp với tình hình mới.
Ngoài ra, các đơn vị này cũng cho rằng việc không quy định rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu và là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn.
Do đó, khi kinh doanh xăng dầu chưa áp dụng theo công thức mới, doanh nghiệp bán lẻ kiến nghị nên có mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ. Trong đó tỷ lệ đề xuất không nhỏ hơn 6-7% trên giá mỗi lít xăng dầu bán ra.
Trường hợp không quy định được mức chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định.