Theo các doanh nghiệp, trong khi Nghị định 95 quy định thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối bán xăng dầu không cao hơn giá bán lẻ do cơ quan nhà nước công bố, trên thị trường vẫn xuất hiện tình trạng chiết khấu âm.
"Các doanh nghiệp phân phối đã tìm cách 'lách' quy định để bán ra cho doanh nghiệp bán lẻ với giá cao hơn giá bán lẻ quy định bằng cách thu thêm phí vận chuyển vào một hóa đơn khác theo bảng kê của các hóa đơn xăng dầu đã xuất với chiết khấu bằng 0. Nghĩa là khi cộng phí vận chuyển thì doanh nghiệp bán lẻ mua vào với giá cao hơn giá bán lẻ quy định", văn bản nhấn mạnh.
Các doanh nghiệp cho rằng nếu kinh doanh có lãi, họ sẽ tranh thủ nhập hàng một cách dồi dào để gia tăng lợi nhuận, không bao giờ để đứt nguồn cung như vừa qua. Vì vậy, nhất thiết phải thay đổi cách tính giá cơ sở phù hợp với tình hình mới.
"Kinh doanh trong cơ chế thị trường mà nhà cung cấp cứ thường xuyên thông báo hạn chế bán ra, sợ hết hàng. Có rất nhiều giai đoạn doanh nghiệp bán lẻ càng bán ra càng lỗ mà vẫn phải bấm bụng bán nhưng không ai bù lỗ. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp bị âm vốn, khó có thể trụ nổi nếu tiếp tục với việc giá mua vào bằng hoặc cao hơn giá bán ra mà doanh nghiệp không được ngưng bán", các doanh nghiệp nêu bức xúc.
Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu ở TP.HCM và các tỉnh ĐBSCL cho rằng cần có giải pháp khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của họ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị cần có sự chỉ đạo thống nhất, can thiệp kịp thời nhằm đưa ra các giải pháp hợp tình, hợp lý đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.
Đồng thời, phải có giải pháp khắc phục hoàn toàn tình hình thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ, không để tình trạng bị bắt buộc bán ra với giá thấp hơn giá mua vào. Trong đó, các đơn vị cho rằng cần thay đổi công thức tính giá cơ sở hiện nay do chưa phù hợp, chưa tính đủ chi phí dẫn đến doanh nghiệp càng bán ra càng thua lỗ.
Cũng theo các đơn vị này, việc không quy định rõ ràng doanh nghiệp bán lẻ được hưởng bao nhiêu trong chi phí kinh doanh định mức dẫn đến phía đầu mối tự do điều chỉnh mức chiết khấu là điều không thể chấp nhận được và là nguyên nhân chính khiến doanh nghiệp bán lẻ luôn chịu thua thiệt, âm vốn.
Do đó, khi kinh doanh xăng dầu chưa thể theo cơ chế thị trường hoàn toàn và chưa áp dụng theo công thức mới, doanh nghiệp kiến nghị trước mắt nên quy định áp dụng mức chiết khấu cố định theo định mức đối với doanh nghiệp bán lẻ theo tỷ lệ không nhỏ hơn 6-7% trên giá bán mỗi lít xăng dầu.
Nếu không quy định được chiết khấu đại lý thì cần quy định giá bán buôn (kể cả vận chuyển) không lớn hơn 94% so với giá bán lẻ quy định.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cho rằng nên xem xét loại bỏ quỹ bình ổn xăng dầu "vì hoạt động không khách quan" và đưa công cụ điều tiết bằng thuế sẽ minh bạch hơn.
Trước đó, Sở Công Thương TP.HCM cũng đã có văn bản tham mưu UBND TP.HCM gửi Bộ Công Thương, kiến nghị điều chỉnh giá xăng dầu linh hoạt theo đúng chu kỳ điều hành, kể cả ngày nghỉ, lễ, Tết, và tính mức chiết khấu phù hợp và tính đầy đủ các chi phí trong cơ cấu giá bán xăng dầu.
Ngày 6/10, ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cũng cho biết đã thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, thống nhất sớm điều chỉnh phụ phí, chi phí đưa xăng dầu từ 2 nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng để phản ánh vào giá cơ sở trong kỳ điều hành xăng dầu.
Qua đó góp phần giải quyết khó khăn của doanh nghiệp xăng dầu và tăng lợi nhuận cho các doanh nghiệp từ đầu mối, thương nhân phân phối đến bán lẻ, từ đó tác động tới chiết khấu, nâng chiết khấu của các cửa hàng bán lẻ lên, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu và đề nghị các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, thương nhân bán lẻ, các cửa hàng phải hài hòa lợi nhuận và chia sẻ khó khăn trong lúc này.