Bộ Tài chính vừa đưa ra dự thảo Nghị định về mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô và các loại xe tương tự ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Theo đó, Bộ đề xuất thu lệ phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu hiện hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8. Thời điểm kết thúc là hết ngày 31/1/2025.
Bộ Tài chính đánh giá bước vào đầu năm 2024, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nói riêng và toàn nền kinh tế nói chung tiếp tục phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả yếu tố trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, sức ép lạm phát, tỷ giá, giá vàng cao... làm ảnh hưởng đến tâm lý người tiêu dùng, dẫn đến xu hướng thắt chặt chi tiêu đối với các mặt hàng có giá trị cao, trong đó có ôtô.
"Trong giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh, dự kiến trong năm 2024, nền kinh tế nói chung và thị trường ôtô nói riêng còn phải ứng phó với những tác động tiêu cực khác do suy thoái kinh tế và xung đột địa chính trị toàn cầu và tình trạng đứt gãy nguồn cung", Bộ Tài chính đánh giá.
Cơ quan soạn thảo cũng cho biết năm 2024, trong khi sản lượng và doanh số bán ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước liên tục giảm thì ôtô nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng nhanh. Nhiều mẫu ôtô nhập khẩu nguyên chiếc đã được ưu đãi, hạ giá sâu giúp tăng doanh số, vượt lên, thu hẹp khoảng cách đáng kể so với xe sản xuất trong nước.
Bộ Tài chính đánh giá đây là những khó khăn đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp sẽ không đủ để tạo ra sự ổn định trong duy trì sản lượng và doanh số bán hàng cũng như sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại.
"Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp cần thiết", Bộ Tài chính nhận định.
Cơ quan soạn thảo dự kiến, việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước có thể làm giảm thu ngân sách Nhà nước khoảng 867 tỷ đồng/tháng. Ngoài ra, việc giảm mức thu lệ phí này có thể tác động đến cân đối thu ngân sách của các địa phương.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cho biết trước đó, trong các lần giảm mức thu lệ phí trước bạ, các nước xuất khẩu ôtô vào Việt Nam đã phản ánh việc Việt Nam đối xử không công bằng giữa ôtô sản xuất trong nước với ôtô nhập khẩu, vi phạm nguyên tắc cơ bản của WTO. Các đối tác này nhiều lần đề xuất gặp Lãnh đạo Bộ Tài chính để trao đổi về nội dung này.
Đối với việc tiếp tục gia hạn thực hiện chính sách này, cơ quan quản lý khẳng định Việt Nam vi phạm cam kết về hàng hóa mà Chính phủ đã đưa ra trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Biện pháp này được đánh giá là vi phạm cam kết về hàng hóa giữa các quốc gia với nhau, không thuộc trường hợp tranh chấp giữa nhà đầu tư và một quốc gia, theo đó, khả năng khiếu nại, khiếu kiện là có thể xảy ra nhưng được đánh giá là không quá căng thẳng.
"Việc khiếu kiện chỉ nhằm mục đích chấm dứt các biện pháp đang được áp dụng. Trên thực tế, khi thực hiện chính sách này, Việt Nam chỉ nhận được yêu cầu giải thích chính sách khi có sự phân biệt áp dụng giữa ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước và ôtô nhập khẩu", cơ quan quản lý nhìn nhận.
Trong môi trường kinh tế hiện nay, đầu tư đã trở thành khái niệm không mấy xa lạ với hầu hết mọi người. Để độc giả có thể tiếp cận những xu hướng đầu tư mới nhất, Tri Thức - Znews xây dựng chủ đề Đầu tư qua sách - nơi ghi lại những cuốn sách, câu chuyện, xu hướng đầu tư đã và đang diễn ra. Trong đó, các lĩnh vực đầu tư phổ biến bao gồm bất động sản, chứng khoán, ngoại hối và tiền ảo... Ngoài các câu chuyện về đầu tư, Đầu tư qua sách còn bao gồm các kiến thức về quản lý gia sản, tài chính cá nhân.