Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với tầm nhìn Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng; Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện Chương trình) tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia thực hiện thực hiện bộ 9 cuốn sách về Chuyển đổi số.
Sách 25 xu hướng công nghệ định hình cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Bernard Marr điểm mặt những phát kiến có tính cách mạng trong thế kỷ XXI. Những công nghệ này thay đổi cách chúng ta điều hành kinh doanh, những nghề nghiệp chúng ta sẽ làm và nhiều khía cạnh khác về cách chúng ta vận hành xã hội.
Đi vào cụ thể, Chuyển đổi số trong giáo dục của TS Hoàng Sỹ Tương, GS.TS Nguyễn Thị Mỹ Lộc và TS Nguyễn Thị Loan cho thấy cách công nghệ thay đổi giáo dục truyền thống. Cuộc “cách mạng trong giáo dục” xảy đến từ những công cụ học tập mới, giấy trắng bảng đen thành các tài liệu “mềm” trên thiết bị điện tử; học trực tiếp thành học trực tuyến... Quá trình này thay đổi cả mối quan hệ, vai trò, vị trí của người dạy và người học trong quá trình dạy học, trong hệ sinh thái giáo dục.
Cuốn sách đề cập đến khía cạnh chuyển đổi số giáo dục đại học với những kiến thức chung nhất như giáo dục 4.0, trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, thư viện số, công nghệ thực tế ảo, Blockchain để giúp bạn đọc hiểu sâu hơn, thấu đáo hơn về những điểm mạnh, điểm yếu và tiềm năng ứng dụng các công nghệ mới này trong lĩnh vực giáo dục đào tạo hiện nay.
Một công trình mới về Internet vạn vật được phát hành: IoT - Kiến thức IoT, IoT Công nghiệp và Công nghiệp 4.0, IoT Tổ ong của TS Nguyễn Phạm Anh Dũng.
Sách cung cấp các nội dung cơ bản về IoT (Internet vạn vật), cho thấy một cuộc cách mạng mở đầu cho kỷ nguyên tưởng tượng (Imagination Age) trong đó sáng tạo và trí tưởng tượng sẽ là những động lực đầu tiên tạo nên giá trị kinh tế.
Ngoài ra, còn có những công trình đã xuất bản như Chuyển đổi số thế nào? của Hồ Tú Bảo và Nguyễn Nhật Quang cung cấp cho độc giả nhận thức về chuyển đổi số trên hai vấn đề: “chuyển đổi số là gì và vì sao phải làm?” và “chuyển đổi số thế nào?”. Cuốn sách góp phần giải đáp những câu hỏi như: “cần làm gì để chuyển đổi số?”, “phải bắt đầu từ đâu?”, “ai làm chuyển đổi số?”, “thành bại của chuyển đổi số vì sao?”, “tổ chức việc thực hiện chuyển đổi số thế nào?”…
Sách Hỏi đáp về chuyển đổi số được nhóm tác giả Nguyễn Huy Dũng, Hồ Tú Bảo và Nguyễn Nhật Quang thiết kế với 200 câu hỏi - đáp, mỗi câu hỏi về một vấn đề của chuyển đổi số, và câu trả lời thường đi cùng ví dụ minh họa, với cố gắng diễn giải đơn giản nhất có thể.
Các câu hỏi được chia thành 5 phần, gồm: Câu hỏi chung về chuyển đổi số; Đột phá của AI và công nghệ số; Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số. Câu hỏi trong mỗi phần tiếp tục được gộp theo nhóm vấn đề chuyển đổi số đặt ra là gì, tại sao, thế nào, bao giờ, ai liên quan…
Cẩm nang chuyển đổi số là cuốn sách do chính Bộ Thông tin và Truyền thông biên soạn. Sách tập trung giải quyết lần lượt 4 nhóm vấn đề: Chuyển đổi số cơ bản, Chuyển đổi số dành cho người dân, Chuyển đổi số cho doanh nghiệp, Chuyển đổi số cho cơ quan Nhà nước.
Internet vạn vật: Chuyển đổi số hay là chết là cuốn sách của Nicolas Windpassinger - Phó chủ tịch toàn cầu của Chương trình đối tác EcoXpertTM của Schneider Electric, một người tiên phong về tòa nhà thông minh và Internet vạn vật.
Nội dung cuốn sách nêu bật giá trị của Internet vạn vật và việc chuyển đổi số thay đổi thị trường và doanh nghiệp, đồng thời giới thiệu cụ thể chiến lược chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp tham khảo để vận dụng, gồm các bước: từ chiến lược, lập danh mục đầu tư đến chuyển đổi mô hình kinh doanh và tổ chức.
Chuyển đổi số đến cốt lõi - nâng tầm năng lực lãnh đạo cho ngành nghề, doanh nghiệp và chính bản thân bạn của Mark Raskino và Graham Waller trình bày định hướng và phương pháp chuyển đổi số đến cốt lõi để nâng tầm năng lực lãnh đạo cho ngành nghề, doanh nghiệp và chính bản thân các nhà quản lý; giúp các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiểu tác động của cuộc cách mạng kỹ thuật số đối với ngành nghề, doanh nghiệp của họ cũng như phong cách lãnh đạo và thực tiễn.
Cuốn Tiền di động để thúc đẩy tài chính toàn diện của Hiệp hội Di động tài chính toàn cầu đi sâu vào khái niệm Mobile Money (Tiền di động). Sách đem đến nhìn toàn diện để triển khai dịch vụ tiền di động ở Việt Nam, nơi có độ phủ sóng mạng di động 3G và 4G lên tới 99,8% dân số, với các nội dung về chính sách và quản lý thực thi tiền di động; thực trạng ngành tiền di động năm 2018, 2019; Chứng chỉ tiền di động GSMA với 8 nguyên tắc chính trong chứng chỉ tiền di động và mô hình triển khai chính sách tiền di động ở Kenya, Philippines.