Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 mới đây, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng, người phát ngôn Bộ Nội vụ đã có thông tin cập nhật về tiến độ thực hiện chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.
Cụ thể, theo ông Minh, thời gian qua Bộ Nội vụ đã tích cực phối hợp với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và một số các cơ quan liên quan tập trung xây dựng 5 hệ thống thang bảng lương.
Trong đó, có bảng lương chức vụ đối với các chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương cho đến cấp xã. Lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết nội dung này phải mất nhiều năm mới có thể ban hành, ra được danh mục các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý và tương đương.
Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng hệ thống bảng lương chuyên môn, tức là những cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý. Ngoài ra là 3 bảng lương trong lực lượng vũ trang, trong đó có cả những người làm công tác cơ yếu.
Theo Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, Bộ đã cùng với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ để xin ý kiến của Thủ tướng báo cáo Ban cán sự đảng Chính phủ trước khi báo cáo, xin ý kiến Bộ Chính trị cho ý kiến nội dung cụ thể để thực hiện cải cách tiền lương.
Trong đó, những vấn đề cần xin ý kiến là thống nhất cho 5 thang bảng lương và 9 nhóm phụ cấp chức vụ lãnh đạo, quản lý và các chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang.
Vấn đề thứ 2 cần xin ý kiến là việc thực hiện bảo lưu tiền lương cũng như thu nhập đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. “Khi chúng ta thực hiện việc xếp lương, nếu lương mới thấp hơn lương cũ thì cho phép bảo lưu lương theo tinh thần Nghị quyết 27 là lương mới bảo đảm không thấp hơn mức lương cũ”, ông Vũ Đăng Minh nhấn mạnh.
Nội dung xin ý kiến thứ 3, theo vị lãnh đạo, là thực hiện chế độ trợ cấp đối với các cán bộ, công chức có mức lương cơ bản thấp hơn mức lương tối thiểu vùng I, áp dụng với khu vực doanh nghiệp (hiện nay là 4,96 triệu đồng/tháng).
Theo ông Minh, đề xuất này là để bảo đảm các cán bộ công chức có đời sống đáp ứng được với một mức tiền lương cố định.
“Hiện nay, chúng tôi đang xin một mức lương khoảng trên 5 triệu đồng, tức là trên mức lương tối thiểu vùng I để áp dụng với các đối tượng này. Khi chúng ta cải cách tiền lương thì đảm bảo những người có thu nhập thấp nhất cũng không thấp hơn 5 triệu đồng”, ông Minh chia sẻ và cho biết con số này còn phải xin ý kiến của Bộ Chính trị.
Một vấn đề cũng đang phải xin ý kiến là việc thực hiện mức khoán bằng số tiền cụ thể đối với cán bộ công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã để áp dụng mức khoán đối với cán bộ chuyên trách chính quyền cơ sở.
Theo lãnh đạo Bộ Nội vụ, đây là những nội dung lớn sắp tới phải báo cáo Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến thì Bộ Nội vụ mới phối hợp với các bộ liên quan để xây dựng và trình quy tắc thẩm quyền 3 nhóm văn bản tới các cơ quan tiếp theo.
Ông Minh cũng nhấn mạnh một trong những nội dung quan trọng để thực hiện cải cách tiền lương là bảo đảm được nguồn để cải cách. Trong đó, Bộ Nội vụ vẫn duy trì quan điểm tiếp tục sắp xếp, tổ chức các bộ máy, cơ quan hành chính Nhà nước theo hướng tinh gọn để tiết kiệm được nguồn chi và thực hiện tinh giản biên chế.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.
Chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1/7/2024
Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận, chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.
Công đoàn đề xuất tăng lương tối thiểu vùng thêm 7,3%
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 với mức 6,5-7,3%. Thời điểm tăng lương từ 1/7/2024.
Tranh cãi về mức lương tối thiểu tại Hong Kong
Nhiều chuyên gia đã đưa ra các nhận định trái chiều về mức lương tối thiểu tại thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Thậm chí, có người còn yêu cầu loại bỏ quy định này.