"Chủ trương nhất quán của Việt Nam là hoạt động trên biển của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tuân thủ đúng quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nói trong buổi họp báo chiều 5/8.
Đồng thời, những hoạt động ấy cũng cần đóng góp có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự, thượng tôn pháp luật, hợp tác trên biển vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, bà Hằng bổ sung.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao còn cho rằng việc đón tàu quân sự nước ngoài là hoạt động bình thường trên cơ sở hợp tác song phương giữa Việt Nam và các nước, và được thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam.
Tàu khu trục Bayern của Đức đang trên đường đến Biển Đông. Ảnh: Twitter. |
Tuyên bố được bà Hằng đưa ra để trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tàu chiến một số nước đã hoặc có kế hoạch đi qua Biển Đông.
Cuối tháng 7, một nhóm tàu tác chiến do tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh dẫn đầu đã đi qua Biển Đông trên đường tới Nhật Bản để tập trận với đồng minh, Bộ Quốc phòng Anh xác nhận, CNN đưa tin ngày 30/7.
Tàu Bayern - một tàu khu trục cỡ nhỏ của Đức - cũng dự kiến qua Biển Đông vào giữa tháng 12 để cùng với các nước phương Tây khác tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Đây là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua khu vực này kể từ năm 2002, theo Reuters.
Ngoài ra, Bộ Quốc phòng Ấn Độ hôm 2/8 cũng cho biết nước này sắp triển khai đội 4 tàu chiến đến tham gia tập trận trên Biển Đông trong vòng 2 tháng, theo CNN.
Các cuộc tập trận có sự tham gia của một số nước trong khu vực và các thành viên nhóm Bộ Tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ, đội tàu sẽ rời nước này vào đầu tháng 8 nhưng chưa rõ ngày cụ thể. Lực lượng này gồm hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường INS Ranvijay và INS Shivalik, tàu hộ tống chống tàu ngầm INS Kadmatt và tàu hộ tống tên lửa dẫn đường INS Kora.