Quán cà phê mới mở trên phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình, Hà Nội) khá đặc biệt. Toàn bộ đồ dùng đều được làm từ những vật liệu bỏ đi. Nhìn cách ăn mặc giản dị, vẻ mặt hiền lành của ông chủ, ít ai nghĩ anh từng dám bỏ nghề bác sĩ, giảng viên để lao vào nghiệp kinh doanh.
Tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên năm 2006, anh Phạm Văn Túc được mời về làm tại Trung tâm phân tích ADN, Đại học Quốc gia Hà Nội. Đặc thù công việc khá nhàn nhã và ít phải di chuyển. Thời gian trong ngày của anh hầu hết là nghiên cứu. Sau 2 năm gắn bó với phòng thí nghiệm, anh Túc đột ngột xin nghỉ việc để mở xưởng sản xuất mì chũ.
Mặc dù khá "sốc" với quyết định đột ngột của học trò, nhưng Giáo sư Lê Đình Lương (công tác tại Đại học Quốc gia Hà Nội), người mời anh Túc về làm việc, vẫn gật đầu đồng ý. Ông chia sẻ: "Mỗi người có quyền chọn con đường của riêng mình. Tuy nhiên, tôi vẫn không nghĩ Túc xin nghỉ việc để về quê mở xưởng sản xuất mì".
Đam mê kinh doanh, anh Phạm Văn Túc quyết định từ bỏ nghề bác sĩ để làm chủ công việc của mình. Ảnh: Ngọc Lan. |
Quyết định "ẩm ương" nói trên gặp phải sự phản đối dữ dội của gia đình, bạn bè. Tuy nhiên, anh bỏ ngoài tai. Anh nhớ lại: "Ai cũng nói tôi dại, ngồi phòng lạnh không muốn lại muốn dãi nắng dầm sương. Thế nhưng, việc mình mình làm thôi".
Khởi đầu kinh doanh mì chũ của anh Túc khá thuận lợi, khi đầu ra sản phẩm rất tốt. Có những thời điểm xưởng sản xuất không cung ứng đủ cho thị trường. Nhưng do chưa có kinh nghiệm quản lý và kiến thức kinh doanh, nhiều tháng sau đó, xưởng sản xuất liên tục thua lỗ. Không xoay được vốn tái đầu tư, anh Túc cho phá sản luôn xưởng mì.
Nghĩ rằng đã hết duyên với kinh doanh, anh xin vào làm ở bệnh viện Đa khoa Phú Thọ. Gia đình và bạn bè nghĩ anh sẽ "an phận" với công việc đúng chuyên ngành của mình. Thế nhưng, 3 năm sau, với lý do "chưa hết duyên nợ với nghiệp kinh doanh", anh xin nghỉ việc.
Bố anh Túc một lần nữa lại "bật ngửa" vì quyết định của con trai. Ông không nghĩ con sẽ bỏ bác sĩ, công việc mơ ước của nhiều người thời điểm đó. “Chúng tôi đã rất khổ tâm, thậm chí trong lúc nóng giận, vợ tôi còn quả quyết sẽ từ mặt con", bố anh kể lại.
Anh Phạm Văn Túc khi bỏ nghề bác sĩ làm nhân viên kinh doanh hàng tiêu dùng Đức. Ảnh: NVCC. |
Nghỉ việc ở bệnh viện, anh xin vào làm nhân viên cho một công ty chuyên buôn bán hàng tiêu dùng Đức. Công việc tuy vất vả, lương thấp và gắn mác "công nhân", nhưng anh luôn cảm thấy thích thú và không bị căng thẳng.
Yêu thích kinh doanh, lại chịu khó tìm hiểu thị trường nên anh được lãnh đạo công ty đánh giá tốt. Trong thời gian ngắn, anh được bổ nhiệm chức vụ trưởng phòng kinh doanh. Đang trên đà thăng tiến trong công việc mới, anh lại bỏ việc, mở công ty riêng.
Từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực sinh học nên anh Túc vô cùng tâm đắc với sản phẩm ngoại nhập ở nước ngoài, đặc biệt là hóa mỹ phẩm nhập từ Đức. Anh cho rằng, người Việt Nam đã quá lãng phí khi không sử dụng đồ tái chế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
"Đồ dùng của Đức đúng là sản phẩm tiêu dùng xanh. Hầu hết đều an toàn với môi trường, không hại đến con người. Với xu hướng dùng đồ sạch hiện nay, dòng sản phẩm này luôn có triển vọng phát triển, đặc biệt ở Việt Nam", anh Túc nói.
Hiện tại, anh đang sở hữu 5 cửa hàng chuyên buôn bán xe đạp, hóa mỹ phẩm và đồ uống, kem tươi từ Đức. Anh còn mở thêm quán cà phê được làm hoàn toàn từ đồ phế liệu.
Trong tương lai, anh sẽ mở thêm nhiều cửa hàng liên quan đến đồ tái chế, góp một phần nhỏ trong thông điệp bảo vệ môi trường. Nhìn lại chặng đường thăng trầm, anh Túc chia sẻ: “Mỗi người đều có đam mê, dù sống với đam mê không dễ. Nhưng nếu bạn dám đương đầu với nó thì chắc chắn có ngày sẽ thành công”.
Anh Chu Bá Tú, người bạn thân cùng quê, bên anh Túc trong lúc khó khăn nhớ lại:"Tôi và nhiều người từng cho rằng, Túc có quyết định điên rồ. Thế nhưng, nhìn lại những thăng trầm mà cậu ấy trải qua, bạn bè mới thán phục".