Trần Anh Dũng (23 tuổi), quê ở Gia Lâm, Hà Nội. Năm 2010, cậu đỗ 2 trường, đại học Y Hà Nội và Ngoại thương. Gia đình hướng Dũng vào học ngành y để sau này dễ xin việc. Nhưng với sở thích kinh doanh, cậu quyết định theo học ngành Kinh tế đối ngoại của đại học Ngoại thương.
Ngay từ khi bước chân vào giảng đường, Dũng luôn xác định sẽ không xin tiền bố mẹ. Tự lập và giao tiếp khéo léo, cậu xin vào làm ở một vài công ty kinh doanh và tổ chức sự kiện. Nửa năm đầu đại học trôi qua, cảm thấy thời gian dư thừa, Dũng quyết định hướng mình trở thành con người bận rộn.
Tình cờ, cậu sinh viên năm nhất biết đến mô hình kinh doanh đồ handmade với bộ kit khâu móc khóa (bộ sản phẩm gồm các nguyên liệu như vải bông, chỉ, keo, kim và hướng dẫn cách làm bằng hình ảnh). Có 1 triệu đồng tiết kiệm, chưa đủ vốn, Dũng thuyết phục thêm 3 người bạn cùng tham gia.
Anh Dũng được bạn bè đánh giá là người thông minh, kiên trì và đặc biệt khéo tay. Ảnh: Ngọc Lan. |
Nghe ý tưởng của Dũng, cả 3 người bạn đều gật đầu đồng ý. Mỗi người góp 1 triệu đồng để mua bộ kit về làm thử. Sau khi hoàn thiện, cả nhóm bắt đầu rao bán trên mạng. Nhận thấy phản ứng tốt từ khách hàng, Dũng đưa ra ý tưởng thiết kế thêm các bộ kit mới.
Ban ngày đi học, buổi tối, cậu sinh viên năm nhất dù chưa thông thuộc đường Hà Nội vẫn miệt mài tìm mua nguyên liệu ở các cửa hàng phụ liệu may mặc. Số mẫu kit hoàn chỉnh cứ thế tăng dần, từ 10, 20 rồi đến gần 200 mẫu. Cả nhóm bàn với nhau chia ra đi gõ cửa từng cửa hàng ở Hà Nội để giới thiệu sản phẩm.
“Thời gian đầu, việc chào hàng rất khó khăn. Phần vì sản phẩm mới, lại là sinh viên mặt ‘non choẹt’ đi chào hàng nên hầu như bị từ chối, thậm chí còn bị chủ hàng... đuổi về. Sau gần một tuần kiên trì, thuyết phục thì có một hàng ở Cầu Giấy nhận bán với lý do thương sinh viên nghèo. Rồi cứ thế, số lượng đại lý nhận bán tăng dần”, Dũng kể lại.
Sau gần một năm làm không lương và 2 tháng bù lỗ, cuối cùng, dự án của Dũng bắt đầu cho thu lời. Có doanh thu và một lượng khách hàng nhất định, cả nhóm mở 4 cửa hàng riêng ở Hà Nội. Tuy nhiên, do chi phí thuê mặt bằng đắt, sản xuất ồ ạt, không nắm bắt được xu hướng của thị trường nên hàng bị ế đọng. Có thời điểm, cửa hàng của Dũng đã phải thu hồi hàng nghìn sản phẩm, thua lỗ vài chục triệu đồng.
Cú sốc thất bại khiến khí thế kinh doanh của 4 cậu sinh viên năm hai chùng xuống. Sau khi ổn định tinh thần, ngồi bàn bạc lại, cả nhóm quyết định đóng 2 cửa hàng để tập trung vào địa điểm còn lại. Cùng đó, Dũng lấy ý kiến khách hàng, đổi mới hình thức kinh doanh, nhận thêm nhiều cộng tác viên và thiết kế các dòng sản phẩm mới. Chỉ trong một thời gian ngắn, cả nhóm trả được hết nợ và bắt đầu có lợi nhuận.
Trần Anh Dũng đang sở hữu 2 shop handmade với doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: NVCC. |
“Với sản phẩm handmade, đường đi đến khách hàng không quá dài để bán buôn. Nhưng ở thị trường online, sản phẩm chiếm ưu thế. Do đó, bọn mình có thể cắt giảm tối đa chi phí thuê mặt bằng", Dũng chia sẻ. Cậu nói thêm, trong kinh doanh, mục tiêu có thể bị thay đổi bất cứ lúc nào. Vì thị hiếu khách hàng thay đổi liên tục nên những kế hoạch vạch ra cho một năm có thể không trụ nổi trong vòng một tháng.
Mải mê với công việc kinh doanh nhưng kết quả học tập của Dũng rất tốt. Vy Tuấn Anh, bạn học cùng lớp Dũng chia sẻ: “Dũng thông minh, miệt mài và có chí. Mọi người đều khâm phục Dũng bởi cách làm việc khoa học trong kinh doanh cũng như học tập”.
Mặc dù con trai là chủ của 2 cửa hàng handmade rộng 60 m2 ở Hà Nội nhưng bố mẹ Dũng không hề hay biết. Cô Nguyễn Thị Kim Doan, mẹ Dũng tâm sự: “4 năm Đại học, Dũng ít về quê nên tôi nghĩ con bận việc học. Cũng một lần Dũng tâm sự làm kinh doanh nhưng tôi phản đối, vì muốn con tập trung học để có công việc ổn định sau này".
Mẹ Dũng cho biết, đến năm cuối, con trai thực tập và được nhận vào làm một công ty lớn ở Hà Nội song vài tháng sau lại xin nghỉ để kinh doanh riêng. Dù thực lòng không đồng tình nhưng vì Dũng hạ quyết tâm nên cô cũng cũng phải chiều theo.
Một lớp học làm bánh tại cửa hàng của Anh Dũng ở Chùa Bộc, Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Lan. |
Lê Tuấn Hiệp, bạn đồng hành từ năm đầu tiên của Dũng chia sẻ: “Trong số 4 người, Dũng luôn đưa ra ý tưởng và cũng khéo tay nhất. Những lúc đơn hàng về dồn dập hay khi cả nhóm thua lỗ vài chục triệu đồng thì cậu ấy luôn lạc quan và động viên các thành viên vượt qua những khó khăn”.
Hiện tại, với hàng nghìn khác hàng online và 40 đại lý trong cả nước, sản phẩm của Dũng xuất hiện khắp cả nước. Một số đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ ở nước ngoài như Anh, Pháp, Nhật, …cũng đặt hàng.
Ngoài bán trên mạng, các sản phẩm của Dũng còn được kinh doanh trên mô hình lớp học, tạo ra lợi nhuận từ 1-2 triệu đồng mỗi ngày. Với diện tích 2 cửa hàng rộng 60 m2, nhóm Dũng thường xuyên tổ chức sự kiện, tham gia các hội chợ và mở lớp dạy làm bánh, đồ trang sức, decor và làm ví da, đem lại doanh thu vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Trần Anh Dũng cho biết, dự kiến trong tương lai gần sẽ mở công ty, đưa sản phẩm handmade sang thị trường nước ngoài. Theo ông chủ 9X, phải thật sự hiểu về sản phẩm mới có thể kinh doanh tốt.
Qua thời gian, cậu chiêm nghiệm được rằng, bán đồ handmade phải hướng đến 3 đối tượng khách hàng. Các nhóm khách này gồm người thích mua sản phẩm làm sẵn, người mua bộ kit về làm theo hướng dẫn và người chỉ mua nguyên liệu để tự thiết kế sản phẩm.
Khá chắc chắn với con đường đã chọn, Dũng bật mí lý do theo đuổi đam mê handmade: “Hai giá trị to lớn mà sản phẩm handmade có được là tiết kiệm chi phí và tạo ra giá trị của sản phẩm. Đây là hai xu hướng tất yếu để mình tin rằng, dòng sản phẩm này còn vươn xa và phát triển bền vững”.