Lớp học chỉ diễn ra vào 2 ngày cuối tuần nhưng có hàng chục người tham gia. Chi phí cho mỗi khóa học kéo dài 3-4 tiếng từ 150.000 đến 250.000 đồng (tính cả công dạy và nguyên liệu). Học viên chủ yếu là nữ giới. Những dịp đặc biệt như 20/10, 8/3..., nam giới cũng tham gia.
Phương Anh, sinh viên Đại học Ngoại thương cho biết, mới học trong một buổi chiều nhưng đã biết làm một chiếc ví ưng ý. Cô bạn hy vọng đây sẽ là món quà đặc biệt nhất để tặng người bạn thân trong ngày sinh nhật.
Lớp học vào cuối tuần nên rất đông học sinh, sinh viên đến tham gia. Ảnh: Ngọc Lan. |
Nguyên liệu làm ví tại lớp học chủ yếu là da bò, cừu. Để màu sắc phong phú hơn, chủ cửa hàng còn bổ sung thêm da PU cao cấp. Những chiếc ví được làm từ da PU có mức giá thấp hơn, khoảng 150.000 đồng.
Lớp học thường có 3 người hướng dẫn chọn nguyên liệu và dạy may vá. Cách làm ví được tính toán sẵn, nên miếng da được cắt thành nhiều hình khối. Học viên được cung cấp các mẫu có sẵn với thiết kế kiểu dáng khác nhau.
Trong quá trình làm, khách có thể thoải mái sáng tạo. Nếu làm ví da dày, rộng hơn, khách sẽ phải trả thêm chi phí nguyên liệu. Tùy từng chất liệu, giá tối đa dao động 400.000-500.000 đồng một chiếc.
Anh Trần Anh Dũng, chủ cửa hàng chia sẻ, ban đầu anh chưa biết gì về đồ da. Đặt mua một bộ công cụ về làm thử, anh tính toán, để làm một chiếc ví da thông thường phải hết 500.000-700.000 đồng.
Muốn giảm giá thành, mất 3 tháng nghiên cứu, anh đã tìm mua được nguyên liệu từ nguồn nhập dư của các nhà máy phân phối với giá rẻ. Kết hợp cách làm ví tiết kiệm nguyên liệu, giá thành sản phẩm hạ xuống chỉ bằng 1/3 ban đầu. Trừ chi phí thuê mặt bằng, tiền trả công cộng tác viên, mỗi chiếc ví da, anh Dũng cũng thu về được vài chục nghìn.
Anh cho biết, các mẫu ví ở Việt Nam đều sao chép kiểu dáng ở nước ngoài. Vì vậy, anh đã nghiên cứu, thiết kế lại độ nông, sâu, các ngăn để chứng minh nhân dân, thẻ xe bus, thẻ sinh viên, nhân viên…phù hợp hơn.
Thông thường, ví da nam có kích thước 9,5x20 cm, để được giấy tờ xe. Ví nữ dài rộng 9,5x12 cm, dày 3 cm, có thể đựng smartphone.
Chi phí tham gia lớp học làm ví handmade là 150.000-250.000 đồng. Sau khi hoàn thiện, học viên sẽ được mang sản phẩm do chính tay mình làm về nhà. Ảnh: Ngọc Lan. |
“Ban đầu, cửa hàng định chú trọng vào lứa tuổi khoảng 25-37 tuổi. Tuy nhiên, chạy thử nghiệm, thấy các bạn trẻ như học sinh, sinh viên cũng rất hào hứng. Vì thế, lớp học tổ chức trọng tâm vào 2 ngày cuối tuần. Đây là thời gian lý tưởng để học sinh, sinh viên, nữ văn phòng vừa được học may vá, vừa được mang thành quả về khoe”, anh Dũng nói.
Ngoài dạy các các lớp làm ví da handmade, ông chủ trẻ này cũng nhận được nhiều đơn đặt hàng của khách trong nước và nước ngoài. Những sản phẩm đòi hỏi sự tỉ mỉ và tinh xảo có giá 500.000-700.000 đồng.
Trước đó, anh Dũng từng mở lớp dạy làm bánh và đồ decor handmade. Tuy nhiên, anh nhận thấy, làm ví da vừa nhân rộng được đối tượng khách hàng, lại thiết thực hơn nên mở lớp dạy để đa dạng khách hàng, sản phẩm. Lớp học ngày càng thu hút được nhiều học viên tham gia bởi mức giá phù hợp và sản phẩm có ý nghĩa.
Lê Thanh Hà, một nhân viên văn phòng tại Duy Tân (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, đây là chiếc ví thứ ba chị làm ở đây. Chị cho rằng, không có món quà nào ý nghĩa bằng những sản phẩm do chính tay mình làm để tặng bạn bè và người thân. Tất cả sản phẩm chị Hà làm đều bằng da bò, giá dao động 200.000-230.000 đồng một chiếc.
Vừa hoàn thiện chiếc ví da thêu 2 bông hoa xinh xắn, Nguyễn Hồng Vân, sinh viên Đại học Thương mại tỏ ra rất thích thú. Vân cho hay, công việc khâu ví không đơn giản, đòi hỏi sự khéo tay, tỉ mỉ. Theo Vân, mức giá 200.000 đồng mỗi sản phẩm khá rẻ so với khung giá sản phẩm trên thị trường.
“Ví da bán ở một số tiệm bên ngoài khá đắt, có khi lên tới cả triệu đồng. Ví hàng hiệu cũng đắt nhưng chưa chắc đã là da xịn”, Vân nói.