Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bản lĩnh những ông chủ 8X

Bỏ nghề cơ khí đi nuôi thỏ hay học điêu khắc để mở xưởng đá mỹ nghệ… chỉ là hai trong nhiều câu chuyện về sức sáng tạo, đam mê và thành công của những người trẻ ở TP Đà Nẵng.

 Kỹ sư cơ khí làm giàu từ nuôi thỏ

Là chủ trang trại nuôi thỏ ở xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), anh Dương Văn Chính (sinh năm 1980) đã chứng tỏ được bản lĩnh “dám nghĩ, dám làm” khi từ bỏ công việc của một Trưởng phòng với mức thu nhập 8 triệu đồng/tháng, để theo đuổi hoài bão làm giàu và tạo lập một cơ ngơi riêng.

Có khu đất gần 4.000 m2 ở quê nhà, anh bắt đầu tìm hiểu các mô hình kinh tế mới, hiệu quả cao và nhận ra nuôi thỏ rất thích hợp do nhu cầu lớn mà người nuôi lại ít. Bên cạnh đó, thỏ là loài dễ nuôi, ăn tạp. Chuồng trại chủ yếu dùng vật liệu tre, gỗ, chi phí đầu tư thấp mà hiệu quả kinh tế cao.

Ông chủ trang trại thỏ Dương Văn Chính. 

Năm đầu, do chưa hiểu kỹ thuật, lại mua phải thỏ giống chất lượng không cao nên đàn thỏ hay bị tiêu chảy, chậm lớn, con thì chết, con thì không đẻ, thiệt hại hàng chục triệu đồng.

Không nản, anh Chính đã ra tận Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ ở Sơn Tây (Hà Nội) để học hỏi cách nuôi thỏ, rồi đặt mua 50 con thỏ cái, 10 con thỏ đực, loại thỏ New Zealand làm giống. Về nhà, anh còn bắt tay vào lai tạo với các giống thỏ Pháp, thỏ Thái Lan, cho ra đời dòng thỏ New Zealand lai, có nhiều ưu điểm so với giống thuần chủng.

Dòng thỏ mới này chịu được khí hậu khắc nghiệt của miền Trung lại rất mắn đẻ. Một năm đẻ 7 lứa, mỗi lứa khoảng 8 con, nuôi con tốt. Thỏ lớn nhanh, khoảng 3 tháng đã có thể xuất chuồng. Trọng lượng trung bình 4-4,5 kg một con. Trong khi giống thỏ cỏ của Việt Nam chỉ có trọng lượng trên dưới 3 kg, đẻ 1 lứa khoảng chừng 5 con.

Nhằm tìm đầu ra cũng như mở rộng thị trường, anh Chính lập trang web riêng về trại thỏ của mình, giới thiệu quảng bá sản phẩm đến các đầu mối ở các tỉnh khác. Nhờ đó, họ dần biết tiếng tìm đến mua. Hiện nay, thị trường của trại thỏ Quốc Cường đã trải dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận.

Đến nay, trại nuôi thỏ Quốc Cường đã đạt quy mô gần 1.000 con, số lượng thỏ nái hơn 100 con, đem lại lợi nhuận khoảng 360 triệu đồng/năm.

Không chỉ làm giàu từ thỏ, những năm qua anh Chính còn chuyển giao kỹ thuật, tư vấn, giúp đỡ nhiều nông dân nuôi thỏ. Thỏ giống bán ra đều được anh đến tận nơi hướng dẫn nuôi, đảm bảo chất lượng. Khi nào thỏ sống tốt, sinh sản ổn định, anh mới nhận tiền. Bên cạnh đó, anh đúc rút kinh nghiệm nuôi thỏ của mình và mọi người để đưa lên trang web của trang trại để người nuôi khắc phục được khó khăn khi bắt tay vào nghề.

Thành công từ đam mê đá mỹ nghệ

Đến cơ sở đá mỹ nghệ Trung Cường tại Khu danh thắng Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, gần 30 người thợ đang chú tâm vào từng tác phẩm với một nhịp độ khẩn trương để kịp tiến độ xuất hàng, những tác phẩm tinh xảo dần được hình từ những đôi bàn tay tài hoa.

Cơ sở Trung Cường có tiếng tại khu làng đá nhờ chất lượng uy tín, mẫu mã đa dạng phong phú, luôn nhận được sự tín nhiệm của các chủ hàng trên khắp cả nước, xuất sang cả Mỹ, Anh, Nhật Bản. Một cơ sở lớn như thế được xây dựng nên từ đôi bàn tay của chàng thanh niên Huỳnh Văn Trung với tuổi đời còn rất trẻ, 33 tuổi.

Anh Huỳnh Văn Trung, chủ cơ sở đá mỹ nghệ có tiếng tại làng đá Non Nước, quận Ngũ Hành Sơn. Ảnh: VGP/Minh Trang

Sinh ra tại một vùng đất làm đá truyền thống, từ nhỏ anh Huỳnh Văn Trung đã nuôi dưỡng một niềm đam mê với những sản phẩm từ đá. Để theo đuổi niềm đam mê đó, anh tiếp tục phát triển theo hướng chuyên nghiệp khi theo học Khoa Điêu khắc, Đại học Nghệ thuật Huế.

Với những kiến thức đã học cộng với thực tế, anh nghiên cứu và sáng tạo ra những mẫu sản phẩm theo chủ đề tâm linh, tôn giáo cũng như những đồ vật trang trí tại các khách sạn, khu du lịch, resort.

Để tạo nét khác biệt, anh Trung đã nhận điêu khắc tượng theo phác họa chân dung khách hàng. Theo cách này, khách sẽ được phác họa tại chỗ, tính toán các thông số kỹ thuật chính xác trên máy tính để các nghệ nhân tạc nên những bức tượng có kích thước theo yêu cầu trong thời gian ngắn. Cách làm này đã đem lại nhiều thích thú cho du khách.

Từ những ngày đầu chỉ có 4-5 lao động với mức lương trung bình hàng tháng là 2-2,5 triệu đồng/người, đến nay cơ sở Trung Cường luôn có 30 thợ lành nghề với thu nhập bình quân từ 9 đến 15 triệu đồng/người. Hằng năm doanh thu của cơ sở đạt hơn 2 tỷ đồng.

Anh Nguyễn Quốc Việt, cán bộ Quận đoàn Ngũ Hành Sơn, cho biết: “Nỗ lực từ bản thân để làm giàu trên chính quê hương của mình, anh Huỳnh Văn Trung xứng đáng là một điển hình tiên tiến làm kinh tế giỏi của quận, là một hình mẫu về sự vươn lên từ đam mê cho các bạn trẻ có ý chí quyết tâm làm giàu”.

Người đàn ông Khmer làm giàu nhờ thả rắn trong vườn

Ý tưởng nuôi rắn hổ hèo thả tự nhiên ngoài vườn chứ không nuôi lồng, chuồng giúp rắn mau lớn đã giúp một người đàn ông Khmer ở miền Tây thoát nghèo, thu nửa tỷ đồng mỗi năm.

http://baodientu.chinhphu.vn/doi-song/ban-linh-nhung-ong-chu-8x/223237.vgp

Theo Minh Trang/ Báo điện tử Chính Phủ

Bạn có thể quan tâm