Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ máy lộn xộn, chính quyền TT Trump mông lung về 2018

Sự hỗn loạn của Nhà Trắng ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hoạch định chính sách và lỗ hổng trong chương trình nghị sự của Washington hiện nay là điều chưa từng có tiền lệ.

Sau khi Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ dồn tâm sức cho dự luật cải cách thuế lớn nhất 30 năm, có vẻ như chẳng ai ở Washington biết rõ chính quyền Tổng thống Trump đang có kế hoạch lớn nào tiếp theo.

Các sáng kiến chính sách của Nhà Trắng thông thường được lên kế hoạch trước hàng tháng trời, kèm theo đó là chiến lược truyền thông và phương án phù hợp để đưa các sáng kiến này qua cửa ải Quốc hội. Tuy nhiên, quan chức chính quyền Trump và các lãnh đạo của đảng Cộng hòa ở Đồi Capitol đến nay vẫn chưa thống nhất sẽ xúc tiến chương trình gì tiếp sau cải cách thuế.

Mông lung về kế hoạch 

Trao đổi về trọng tâm sắp tới trong chương trình nghị sự, gần 10 trợ lý cấp cao ở Nhà Trắng và Quốc hội đã nêu ra một loạt phương án khác nhau, từ cải cách phúc lợi đến chương trình cơ sở hạ tầng, hay việc hủy bỏ Obamacare, nỗ lực mà chính quyền Trump đã hai lần thất bại. 

Hồi tháng 11, Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan nói với các nhà tài trợ có mặt tại hội nghị Koch ở Wichita, Kansas, rằng đảng Cộng hòa sẽ chuyển sang vấn đề phúc lợi sau khi cải cách thuế vượt qua cửa ải Quốc hội. Chương trình nghị sự "Con đường tốt hơn" năm 2016 của Paul Ryan cũng đề cập đến kế hoạch cải cách phúc lợi, tuy nhiên, không có dấu hiệu nào có thấy Nhà Trắng chuẩn bị xúc tiến kế hoạch của ông Ryan.

cai cach thue Trump anh 1
Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (phải) và Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Getty.

Khác với những gì ông Ryan nói, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Gary Cohn lại công khai tuyên bố rằng trọng tâm tiếp theo của Nhà Trắng là vấn đề cơ sở hạ tầng.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao của Nhà Trắng cho biết chính quyền nhiều khả năng sẽ thúc đẩy cả cải cách phúc lợi, vấn đề cơ sở hạ tầng cũng như dự luật y tế. "Cả 3 sẽ được tiến hành theo một trình tự dựa trên lịch trình của Quốc hội (trong năm tới)", một trợ lý cấp cao nói.

Trên thực tế, nếu nhìn vào hoạt động của đội ngũ nhân sự Nhà Trắng, người ta chẳng thể biết được tổng thống muốn dự luật tiếp theo ra sao.

Hệ lụy từ bộ máy thiếu tổ chức 

Khoảng trống lớn trong chương trình nghị sự của đảng Cộng hòa cho thấy sự hỗn loạn và thiếu tổ chức của Nhà Trắng có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hoạch định chính sách của Washington. Và nó đang đe dọa đến cơ hội để Trump giành các chiến thắng lập pháp cho đảng Cộng hòa trong bối cảnh  bầu cử giữa kỳ sẽ diễn ra vào năm sau. Nó cũng có thể làm tổn hại đến cá nhân ông Trump khi chiến dịch tái tranh cử 2020 thực sự bắt đầu vào năm tới.

"Hầu như chưa có gì được hoạch định. Sau cải cách thuế, không biết có mục tiêu rõ ràng nào đã được đặt ra hay chưa, ngoại trừ khả năng quay về với vấn đề chăm sóc sức khỏe", Yuval Levin, biên tập viên của National Affairs, tạp chí bảo thủ hàng đầu, cho biết. "Cùng với đó là một tổng thống không có tư duy chính sách, bạn không biết tiếp theo phải làm gì".

cai cach thue Trump anh 2
Tổng thống Trump và các nghị sĩ đảng Cộng hòa "ăn mừng" chiến thắng lớn đầu tiên về lập pháp sau khi dự luật cải cách thuế được Quốc hội thông qua. Ảnh: AP.

Tình trạng lộn xộn của chính quyền Trump phản ánh phần nào sự thiếu quan tâm của bản thân tổng thống đối với nhiều vấn đề đối nội. Bên cạnh đó, cấu trúc của bộ máy nhân sự Nhà Trắng hiện nay đã hạn chế khả năng hoạch định chính sách dài hạn so với các chính quyền trước đây.

Thí dụ, ông Trump chưa từng bổ nhiệm một phó chánh văn phòng Nhà Trắng nào chịu trách nhiệm lên kế hoạch lập pháp và thông tin cho các kế hoạch này. Nhiều trợ lý ở Nhà Trắng vừa phải làm ngoài giờ vừa phải làm nhiệm vụ chính thức của mình.

Cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus từng nhiều lần yêu cầu Thư ký Rob Porter gánh thêm vai trò điều phối chính sách bên ngoài công việc chính. Dù vậy, bản thân Priebus chưa bao giờ đưa ra được một tầm nhìn về quá trình hoạch định chính sách. 

Một vài cố vấn khác ở Nhà Trắng cũng có vai trò nhất định trong xây dựng chính sách, như cố vấn cấp cao Stephen Miller, Phó chánh văn phòng Kirstjen Nielsen và Rick Dearborn, nhưng không ai trong số họ chịu trách nhiệm chính về công việc này.

Chánh văn phòng John Kelly, người thay thế Priebus hồi tháng 7, đã phần nào thiết lập trật tự mới ở Nhà Trắng. Song vị tướng thủy quân lục chiến về hưu không có nền tảng kiến thức về xây dựng chính sách. Theo 3 người thân cận với tổng thống, khi đề cập đến các sáng kiến đối nội, các cố vấn nói họ cảm thấy bối rối và phiền phức về bộ máy nhân sự lộn xộn, không có định hướng rõ ràng.

cai cach thue Trump anh 3
Cựu tướng thủy quân lục chiến John Kelly hồi tháng 7/2017 đảm nhiệm chức chánh văn phòng Nhà Trắng, thay thế ông Reince Priebus.  Ảnh: Reuters.

Hiện nay, đóng vai trò nổi bật trong đội ngũ chính sách đối nội yếu kém của Nhà Trắng là Gary Cohn và Hội đồng Kinh tế Quốc gia (NEC) do ông đứng đầu. Từ một doanh nhân được Trump bổ nhiệm vào nội các, Gary Cohn đã xây dựng được đội ngũ có khả năng lấn át Hội đồng Chính sách Đối nội (DPC), vốn là cơ quan chuyên trách về các vấn đề chính sách đối nội.

NEC bị xem là nguồn cơn của những cạnh tranh và bất ổn nội bộ, ví dụ như trong vấn đề cải cách thuế, hội đồng này lại là đầu tàu trong khi DPC chỉ đóng vai trò thứ yếu. "Đội ngũ NEC lớn hơn nhiều so với trước đây, trong khi DPC thì làm việc kém hiệu quả", một trợ lý cấp cao ở Nhà Trắng nói.

Nhân sự chán nản

Các cựu quan chức chính phủ cho hay tình trạng thiếu tổ chức hiện nay gần như là chưa từng có tiền lệ. Nó không chỉ khiến cho chính quyền Trump có thể đánh mất các chiến thắng lập pháp mà còn gây khó khăn cho Nhà Trắng trong việc giữ lại nhân viên hay thu hút nhân sự mới khi các quan chức bắt đầu rời đi vào năm tới. 

Các cố vấn chính sách đối nội, những người mà hồi tháng 1 năm ngoái hăm hở tham gia vào chính quyền để lật ngược Obamacare và cải cách thuế trong năm đầu tiên nhiệm kỳ Trump, giờ đây cảm thấy mông lung về mục tiêu năm tiếp theo.

Việc thiếu mục tiêu rõ ràng cho năm 2018 khiến một số nhân viên trong Nhà Trắng không còn muốn ở lại. Giám đốc Hội đồng Chính sách Đối nội (DPC) Andrew Bremberg, người làm việc về chính sách y tế từ trước khi tham gia chính quyền Trump, nói với các cộng sự rằng ông dự định rời nhiệm sở vào tháng 1 này.

Việc thiếu mục tiêu rõ ràng cho năm 2018 khiến một số nhân viên trong Nhà Trắng không còn muốn ở lại.

Jeremy Katz, phó trợ lý tổng thống, người từng là cánh tay phải của Gary Cohn trong các sáng kiến kinh tế, cũng như những quan chức ủng hộ tự do thương mại trong chính quyền, nói với các đồng nghiệp rằng họ không chắc sẽ ở lại Nhà Trắng sau khi cải cách thuế được thông qua.

Gary Cohn có khả năng tiếp tục ở lại trong năm nay nếu cải cách thuế thành công, nhưng ông có thể sẽ rời đi nếu Tổng thống Trump có những động thái bài tự do thương mại như đơn phương rút khỏi NAFTA.

Chưa từng có tiền lệ

Sự hỗn loạn bên trong Nhà Trắng của Trump khác với các chính quyền trước đó, khi mà các sáng kiến đối nội luôn được lên kế hoạch cẩn thận và phối hợp chặt chẽ với các lãnh đạo đảng ở Quốc hội. 

Các quan chức thời chính quyền George W. Bush cho biết thời đó, tâm điểm của mỗi cuộc họp ở Cánh Tây luôn là tấm lịch dán tường có ghi rõ chi tiết kế hoạch 4 tháng tiếp theo.

"Chúng tôi suy nghĩ rất kỹ và bàn thảo rất chi tiết về những kế hoạch đó", một cựu quan chức chính quyền Bush cho biết. "Việc lên thời điểm cho các chương trình cũng như cách thức thông tin được suy nghĩ rất kỹ lưỡng". Quan chức thời Bush nói rằng họ có thể mắc lỗi nhưng không bao giờ thiếu chỉn chu trong việc lên kế hoạch.

Quan chức chính quyền Obama cũng có câu chuyện tương tự. "Mỗi năm chúng tôi đều có những ưu tiên rõ ràng và luôn xem xét lại các mục tiêu 6 tháng một lần", Cecilia Muñoz, chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối nội thời Obama, cho biết.

'Bắt bài' thói quen diễn thuyết của Tổng thống Trump Sử dụng những con số cùng ngôn ngữ kịch tính và thường đề nghị mọi người tin mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump có thói quen diễn thuyết quen thuộc sau hơn 3 tháng nhậm chức.

Những tiết lộ 'sốc' từ cuốn sách 'lột trần Nhà Trắng' của Trump

Những nội dung tiết lộ gây sốc về “hậu trường" Nhà Trắng đã giúp cho cuốn sách "biết tuốt về Trump" vươn lên vị trí số 1 trong danh sách những cuốn bán chạy nhất của Amazon.

Quyển sách được dự báo ‘đặt dấu kết thúc triều đại Trump’

Tác giả quyển sách “biết tuốt về Trump” cho rằng những nội dung được tiết lộ trong sách sẽ đặt ra sự kết thúc cho quãng thời gian của ông Trump ở Nhà Trắng.


Ngụy An (Theo Politico)

Bạn có thể quan tâm