Trong lịch sử Việt Nam, thời Lý, Trần đều ban hành các bộ Hình luật làm cơ sở để xử án, nhưng đến nay, các bộ luật này đều đã thất truyền. Ngày nay, chúng ta chỉ còn lưu trữ được bộ Hình luật triều Lê, có tên chính thức là Quốc triều hình luật, hay còn gọi là Lê triều hình luật, được ban hành dưới niên hiệu Hồng Đức, đời vua Lê Thánh Tông (niên hiệu được sử dụng từ năm 1470-1497, nhưng không rõ bộ luật ban hành chính xác năm nào), nên còn được gọi là luật Hồng Đức.
Theo cuốn Lịch sử Việt Nam của Viện Sử học Việt Nam (NXB KHXH, 2007), tập 3, thì bộ Quốc triều hình luật được khởi thảo từ thời Lê Thái Tổ, sau đó tiếp tục được bổ sung dưới các triều Lê Thái Tông và Lê Nhân Tông. Tới thời Lê Thánh Tông thì bộ luật được hoàn chỉnh.
Quốc triều hình luật có 13 chương, 722 điều, đã được in khắc và ban hành trong cả nước. Bộ luật này cũng như các bộ Hình thư khác của các triều đại phong kiến đều có chung bản chất là để bảo vệ vương quyền của nhà vua, nhưng cũng có rất nhiều yếu tố tiến bộ trong việc bảo vệ trật tự xã hội, các mối quan hệ gia đình và đặc biệt, đề cao vai trò của phụ nữ.
Trong số các điều luật của bộ luật, có một điều ghi rõ theo một điển tích cổ của Trung Quốc. Đó là trong chương 5 “Trá ngụy”, quy định xử những tội gian dối, điều 547, viết rằng:
"Bề tôi tâu việc mà dối trá (dâng sổ sách hay dâng thư cũng vậy) thì xử tội lưu hay tội chết”.
Điều luật này giải thích thêm: "Nghĩa là nói dối vua những việc phi lý, như là việc chỉ con hươu mà nói là con ngựa của Triệu Cao đời nhà Tần”.
Việc dối trá tâu lên mà là việc nhẹ, thì xử tội "tâu vua không thật". Dối trá quan đại thần, thì xử nhẹ hơn tội trên ba bậc; nói dối quan bản quản thì chiếu theo phẩm mà luận tội giảm bớt một bậc.
Tranh minh họa về việc Triệu Cao lừa vua Tần Nhị Thế, "chỉ hươu nói ngựa". |
Tích “chỉ hươu nói ngựa” được đề cập trong điều luật này nguyên văn là “chỉ lộc vi mã”, có xuất xứ từ một chuyện được chép trong sách Sử ký Tư Mã Thiên. Các thiên Mông Điềm liệt truyện, Lý Tư liệt truyện của bộ Sử ký chép rằng, Triệu Cao, quan nước Tần, sau khi hại chết Thừa tướng Lý Tư, được Tần Nhị Thế phong làm Trung thừa tướng, nắm hết quyền hành.
Triệu Cao có mưu đồ làm loạn xưng vương, nhưng sợ lòng người không phục, bèn nghĩ cách thử lòng. Tháng 8 năm 207 trước Công nguyên, ông ta cho người dắt con hươu đi qua dâng lên Nhị Thế và bảo đó là con ngựa. Nhị Thế cho rằng nó là con hươu nhưng nhiều đại thần đều hùa theo Triệu Cao, nói là ngựa, chỉ có một số ít không chịu, khẳng định là hươu. Nhị Thế tưởng là ngựa thật, nghĩ mình loạn óc, bèn vào Vọng Di cung trai giới. Còn những người nói thật đều bị Triệu Cao để bụng trả thù.
Quyển 5, chương "Trá ngụy" của Quốc triều hình luật, gồm 38 điều, trong đó, quy định các tội làm giả ấn tín, tờ chế, làm giả tiền đồng đều bị xử chém; làm giả hay thêm bớt vào công văn thì xét xem định trốn tránh việc gì hay tội gì, thì xử nặng hơn tội ấy hai bậc, việc đó chưa thi hành thì được giảm một bậc.
Điều 537 trong chương này cũng quy định về tội phao tin đồn nhảm. Điều luật viết: "Kẻ phao tin bậy ngoài biên thùy có giặc giã để dân chúng sợ hãi, thì xử tội chém; thưởng cho người tố cáo tước hai tư".
Như vậy, xét theo bộ luật Hồng Đức của Đại Việt, thì nếu như Triệu Cao sống vào thời Lê ở nước ta, việc làm chỉ hươu làm ngựa của ông ta có thể khiến bị xử vào tội chết.
Còn về Triệu Cao, dù sau đó ông ta giết Tần Nhị Thế, nhưng kết cục đã bị vua Tần Tử Anh sai hoạn quan là Hàm Đàn giết chết.