Cuộc so tài cùng U20 Hàn Quốc chỉ mang tính chất giao hữu nhưng với thầy trò Park Hang-seo, đằng sau 90 phút ở sân Việt Trì là một cuộc chiến vô hình. Các cầu thủ chiến đấu giành giật vị trí còn thầy Park phải băn khoăn để lựa chọn đâu là cái tên phù hợp đồng hành cùng ông ở giải đấu quan trọng bậc nhất trong năm.
U23 Việt Nam chỉ còn cách SEA Games 14 ngày nhưng chờ đợi HLV Park Hang-seo là ngồn ngộn công việc với hàng tá câu hỏi cần được giải đáp ở trận tái đấu U20 Hàn Quốc tối nay 22/4.
U23 Việt Nam đang định hình được những nhân tố bên cạnh 3 cầu thủ trên 23 tuổi trong hai trận giao hữu với U20 Hàn Quốc. Ảnh: Minh Chiến. |
Cái khó của HLV Park Hang-seo
So sánh trình độ hai lứa cầu thủ U23 hiện tại và U22 cách đây 3 năm thực ra là bất công với Bùi Hoàng Việt Anh cùng các đồng đội.
Đặt cạnh thế hệ đàn anh, U23 hiện tại chịu nhiều thiệt thòi. Dịch Covid-19 khiến các giải đấu chuyên nghiệp bị hoãn, hủy liên tục trong 2 năm qua. Mỗi đội bóng tại V.League chỉ chơi tối đa 35-40 trận từ năm 2020 đến nay. Số trận ấy bị bổ ngang, bổ dọc rồi ngắt quãng bởi dịch bệnh. Với các đội hạng Nhất, nơi có không ít cầu thủ U23 đang khoác áo, số trận còn ít hơn nữa.
Chưa kể, U23 Việt Nam hiếm có cơ hội ra nước ngoài thi đấu thời gian qua, cũng do nguyên nhân dịch bệnh. Trước khi dự vòng loại U23 châu Á 2022, U23 Việt Nam chỉ đá 2 trận giao hữu quốc tế, thời gian còn lại chỉ đá giao hữu với một số đội trong nước như CLB Hà Nội, CLB Viettel. Ở độ tuổi cần được thi đấu và thi đấu liên tục, đội U23 lại thiếu cơ hội cọ xát để nâng cao trình độ.
Tuy nhiên, khác biệt cơ bản nhất của lứa U23 so với các thế hệ trước là lứa ngày nay chưa có nhiều thời gian làm việc cùng HLV Park Hang-seo. Nếu đội hình U22 Việt Nam dự SEA Games 30 có một bộ trục trải đều từ thủ môn tới tiền đạo từng đồng hành với chiến lược gia Hàn Quốc ở nhiều giải lớn xuyên suốt năm 2018, 2019 (Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Hà Đức Chinh, Nguyễn Tiến Linh), lứa U22 Việt Nam hiện tại như một vùng đất mới. Chờ đợi HLV Park Hang-seo có thể là những mảng màu mỡ hoặc khô cằn không thể nói trước.
Cách dùng người của HLV Park Hang-seo ở trận gặp U20 Hàn Quốc thực ra cũng nói lên cái khó của ông. Cả đội hình U23 Việt Nam được xào xáo với hai sơ đồ (3-5-2, 3-4-3) cùng nhiều chiến thuật khác nhau. Mỗi cầu thủ được đảm bảo chơi ít nhất 30, 45 phút, được hoán đổi vị trí, vai trò liên tục.
HLV Park Hang-seo có thể đang giữ bộ khung U23 ưng ý nhất cho trận hôm nay. Hoặc ông muốn các cầu thủ được “cào bằng” cơ hội chứng tỏ bản thân trong cuộc chiến giành suất đá SEA Games. Tuy nhiên, phần lớn đội hình hiện tại mới có vài tuần tập luyện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của HLV Park bởi gần một năm trước đó, chiến lược gia 63 tuổi phải toàn tâm toàn ý huấn luyện đội tuyển ở vòng loại World Cup 2022. Với nhiều cầu thủ, trận đấu tối 19/4 mới là lần đầu tiên, họ trình diện thầy Park ở một trận đấu có tính “thực chiến”.
Thời gian làm việc gấp gáp khiến HLV Park Hang-seo khó tìm đội hình tốt nhất mà chỉ chọn lọc những người phù hợp nhất. Một giải đấu ngắn ngày, lịch thi đấu dày đặc và nhiều biến số như SEA Games đôi khi cần một đội hình đa diện, ứng biến tốt với hoàn cảnh cụ thể hơn là một đội bóng cố định. Nhà cầm quân người Hàn Quốc có lẽ đang xây dựng U23 Việt Nam theo hướng này. Ông chọn lọc những con người đa năng nhất cho từng đấu pháp phục vụ SEA Games.
Đó là lý do không ít cầu thủ được lựa chọn sẽ khác với dự đoán của dư luận, đơn cử trường hợp Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Hai Long không có tên còn những gương mặt lạ như Trần Quang Thịnh, Bùi Vĩ Hào lại được trao cơ hội.
HLV Park Hang-seo tìm một nhạc trưởng khi Quang Hải không dự SEA Games 31. Ảnh: Minh Chiến. |
Chờ đợi Hoàng Đức, Hùng Dũng
HLV Park Hang-seo trao 3 suất quá tuổi dự SEA Games cho Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Hoàng Đức và Nguyễn Tiến Linh. Đây là lựa chọn gần tương đồng với thời điểm HLV Park gọi 3 cầu thủ quá tuổi để cùng Olympic Việt Nam đá ASIAD 2018.
Chiến lược gia người Hàn Quốc khi ấy chọn một tiền vệ (Hùng Dũng), một tiền đạo (Nguyễn Anh Đức) cùng một cầu thủ tấn công đa năng (Nguyễn Văn Quyết). Các vị trí được bổ sung rất giống cách ông Park tuyển người cho đội U23.
Bộ đôi tiền vệ Hoàng Đức - Hùng Dũng được “bê” nguyên từ SEA Games 30 đến SEA Games 31. Điều ấy đồng nghĩa sau 3 năm theo dõi hàng trăm trận đấu cùng nhiều tuần chỉ đạo đội U23, HLV Park Hang-seo vẫn chưa thể tìm được thêm một tiền vệ trung tâm và một tiền đạo giỏi.
Màn trình diễn của Đức Việt, Huỳnh Công Đến, Đặng Văn Lắm, thậm chí Lý Công Hoàng Anh ở trận gặp Hàn Quốc, cho thấy tại sao HLV Park Hang-seo nhất quyết kéo Hùng Dũng về đá SEA Games dù tiền vệ sinh năm 1993 mới bình phục chấn thương và đã ở đẳng cấp rất khác so với mặt bằng “ao làng”.
Ông cần một nhạc trưởng để điều tiết dàn nhạc U23 vốn thừa năng lượng nhưng thiếu tỉnh táo và kinh nghiệm thực chiến. Hùng Dũng có đầy đủ phẩm chất của một tiền vệ toàn năng khi mọi kỹ năng từ chuyền bóng, di chuyển, phối hợp, dứt điểm đến điều tiết đều ở mức độ chuẩn mực. Quan trọng hơn, những tiền vệ như Hoàng Đức, Hùng Dũng như chất kết dính, kéo những mảnh ghép rời rạc của U23 Việt Nam lại thành một đội.
Tính liên lạc, gắn kết giữa các cầu thủ đang là điểm yếu của U23 khi các cầu thủ có quá ít thời gian thi đấu cùng nhau. HLV Park Hang-seo có lẽ khó hiểu cặn kẽ được từng học trò như cách ông đã chăm bẵm đội U23 của 3, 4 năm trước. Ông chỉ cố tận dụng những tài nguyên tốt nhất để ra những đấu pháp phù hợp nhất rồi chờ đợi sự khác biệt từ những viên ngọc thô đang có trong tay.
Hành trình của U23 Việt Nam tại SEA Games vì thế sẽ không ít sóng gió, nhưng cũng rất đáng để chờ đợi.