Giải ngân năm 2022 (tính đến hết tháng 1/2023) là trên 541.000 tỷ đồng, đạt gần 93,5% kế hoạch. Ảnh: Ngọc Tân. |
Liên quan đến vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 3/3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Trần Duy Đông đánh giá giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ, Thủ tướng trong nhiều năm qua.
"Ngay từ năm 2022, Thủ tướng đã ban hành 6 chuyên đề, 5 công điện, 1 chỉ thị và thành lập 6 tổ công tác để hỗ trợ giải ngân vốn đầu tư công. Và tỷ lệ giải ngân trong năm 2022, đạt 92,9% so với kế hoạch, năm 2021 là 95,1%. Tuy nhiên, năm 2022 phải tiêu số vốn tuyệt đối tăng thêm 120.000 tỷ đồng", ông thông tin.
Riêng năm nay, Thứ trưởng cho biết trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công nặng nề hơn khi giao các bộ ngành, địa phương tổng vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng 140.000 tỷ so với năm ngoái và 260.000 tỷ đồng so với năm 2021.
Về kinh nghiệm giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết dựa trên kinh nghiệm thực hiện trong năm 2022, năm nay vẫn thực hiện hiệu quả 6 tổ công tác của Thủ tướng thành lập. Đồng thời tiếp tục chuẩn bị tốt dự án đầu tư từ khâu phê duyệt, lựa chọn.
Thứ trưởng Trần Duy Đông. Ảnh: Nhật Bắc/VGP. |
Trước đó, ngày 21/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023. Theo đó, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 nặng nề hơn so với năm 2022 và với yêu cầu cao hơn, chất lượng, hiệu quả hơn.
"Do đó đòi hỏi phải có sự quyết liệt vào cuộc ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm; phấn đấu giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt ít nhất 95% kế hoạch", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng yêu cầu đề cao kỷ luật, kỷ cương hành chính, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu gắn với đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó là đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính trong mọi mặt hoạt động đầu tư công; tăng cường công tác hậu kiểm trong giải ngân vốn đầu tư công.
"Nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế trong quá trình chuyển đổi, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, trong nội tại vẫn còn nhiều khó khăn, mặt khác lại hội nhập sâu rộng, nền kinh tế có độ mở cao, một biến động nhỏ bên ngoài cũng có thể tác động lớn tới bên trong", Thủ tướng nêu.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...