Cụ thể, Trần Anh Tuấn cho biết theo thông tin trao đổi từ Kho bạc Nhà nước TP.HCM, trong năm 2022, thành phố ghi nhận 11 đơn vị có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở mức 0 đồng. Theo ông, mỗi đơn vị thường có nhiều dự án, tuy nhiên nếu có một hoặc vài dự án có tỷ lệ giải ngân 0 đồng thì vẫn tính vào danh sách này.
"Các dự án bị vướng chủ yếu do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó còn có thủ tục điều chỉnh liên quan đến thành phố và các bộ ngành", ông Tuấn nói.
Đánh giá về công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cho biết thành phố chỉ hoàn thành 71,3% trên tổng số vốn được giao. Kết quả này cao hơn so với năm 2021 về cả số tuyệt đối và tỷ lệ, nhưng vẫn thấp so với mục tiêu đã đề ra.
Năm 2023, TP.HCM xác định là năm trọng điểm của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Do vậy, Thủ tướng đã giao kế hoạch vốn cho TP hơn 70.000 tỷ đồng, trong đó, riêng phần ngân sách địa phương là hơn 55.000 tỷ đồng, cao gấp 2 lần năm 2021.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM tại buổi họp báo tình hình kinh tế - xã hội định kỳ chiều 16/2. Ảnh: Linh Nhi/HMC. |
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư cho biết sẽ tiếp tục đề xuất và kiến nghị nhiều nhóm giải pháp hướng tới hoàn thành các chỉ tiêu đã đề ra.
Cụ thể, ông Tuấn kiến nghị Hội đồng nhân dân TP phân cấp cho Ủy ban nhân dân TP quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương.
Bên cạnh đó, đề xuất Nhà nước tiếp tục duy trì đều đặn việc thực hiện giao ban giải ngân kế hoạch vốn hàng tháng, kết hợp với việc đảm bảo hoạt động liên tục của 3 Tổ công tác về đầu tư công.
Ông còn đề xuất UBND TP.HCM ủy quyền cho Chủ tịch UBND các quận điều chỉnh quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm C, trước đây sử dụng nguồn vốn ngân sách quận/vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách TP.
Đồng thời, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư đối với từng nhóm dự án cụ thể, gồm nhóm đã hoàn thành và đang thực hiện thủ tục quyết toán; nhóm đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; nhóm khởi công mới và nhóm chuyển tiếp sang năm 2023 tiếp tục thi công.
Trước đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị giải ngân 0 đồng không được xếp loại xuất sắc trong năm 2022 và trong năm 2023, TP.HCM sẽ quyết liệt tăng cường hình thức thi đua này.
"Trước đà suy giảm còn kéo dài, TP.HCM cần hành động để rút ngắn thời gian này và quyết liệt trong giải ngân đầu tư công, đầu tư dẫn dắt cho xã hội", lãnh đạo TP.HCM nhấn mạnh.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.