Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ KHĐT đề xuất loạt giải pháp cấp thiết

Bộ KHĐT kiến nghị Chính phủ khẩn cấp đầu tư công một số công trình chống hạn mặn ở miền Tây, tạo động lực cho phát triển, đồng thời giảm nhiều loại thuế phí.

Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương sáng 10/4, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng đã trình bày báo cáo một số nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19. Trong đó nhấn mạnh một số biện pháp cần thực hiện nay.

Khẩn cấp đầu tư các dự án ở miền Tây

Bộ KHĐT kiến nghị Chính phủ giao bổ sung, điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn NSNN giai đoạn 2016-2020 cho các dự án năm 2020 trước 15/5; điều chuyển giảm kế hoạch vốn đầu tư công 2019 vốn ngân sách trung ương kéo dài sang năm 2020 của các dự án chậm tiến độ sang năm 2020.

Thủ tướng cần xem xét, quyết định đầu tư một số dự án khẩn cấp phòng, chống và giảm nhẹ ảnh hưởng hạn hán, xâm nhập mặn đối với khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long… được đầu tư từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2020.

“Cần thực hiện theo hình thức dự án đầu tư công khẩn cấp của Luật Đầu tư công và công trình xây dựng có tính cấp bách theo quy định”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất.

giai phap mot so bien phap khan cap anh 1

Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH.

Bộ KHĐT cũng kiến nghị bố trí 6.700 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương cho Bộ Y tế bảo đảm công tác phòng chống dịch.

Cho phép chuyển đổi hình thức đầu tư đối với dự án đường bộ cao tốc Mỹ Thuận - Cần thơ từ hình thức PPP sang đầu tư công.

Cho phép triển khai phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư công có điều kiện (quyết định hiệu lực khi được cấp có thẩm quyền quyết định) và một số thủ tục thực hiện đầu tư trong khi chờ cấp có thẩm quyền chấp thuận chuyển đổi hình thức đầu tư sang đầu tư công đối với dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông.

Cho phép không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư đối với dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, được bố trí vốn từ kế hoạch đầu tư công năm 2020.

Giảm thuế xăng, phí trước bạ ôtô

Bộ KHĐT cũng kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội một số giải pháp cần thực hiện nay.

Theo đó, Chính phủ sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 4 việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu đầu vào của các ngành vận tải, đặc biệt nghiên cứu giảm thêm đối với mặt hàng xăng sinh học E5 RON 92 cho phù hợp với thực tế.

Ngoài ra, cần giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước. Ngoài ra, cần có các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ôtô nội địa.

giai phap mot so bien phap khan cap anh 2

Bộ KHĐT kiến nghị sớm giảm thuế, phí đánh vào ôtô, xăng dầu. Ảnh: Việt Linh.

Bộ KHĐT cũng kiến nghị miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, nông dân; tạm thời giảm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh để áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020; xem xét việc hoàn thuế VAT trong năm 2020 cho một số ngành nghề bị ảnh hưởng nặng, trực tiếp bởi dịch Covid-19 như hàng không, du lịch.

Kiến nghị Chính phủ Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sử dụng nguồn tăng thu và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2019 để phân bổ cho 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường cất hạ cánh và đường lăn tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

Bộ KHĐT đánh giá năm 2020 sẽ là năm rất khó khăn đối với kinh tế Việt Nam. Các tổ chức quốc tế đều đánh giá Việt Nam sẽ không đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% như đã đề ra.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 đạt mức 4,8%, Ngân hàng Thế giới (WB) là 4,9%, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) là 3,6% (dự báo ngày 19/3/2020), 2,7% (ngày 31/3/2020).

Việt Nam đang được đánh giá đã tổ chức phòng chống, dập dịch có hiệu quả và có thể kết thúc dịch sớm hơn so với các nước khác. Tuy nhiên, các tác động và ảnh hưởng của dịch vẫn tiếp tục kéo dài đối với kinh tế Việt Nam trong trường hợp dịch chưa kết thúc trên thế giới.

Do vậy, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2020 sẽ thấp hơn mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% như đã đề ra.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm