Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Thủ tướng: 'Nếu không có biện pháp quyết liệt, nền kinh tế dễ gãy đổ'

Dẫn học thuyết tiến hóa của Darwin, Thủ tướng cho rằng trước thách thức toàn cầu do dịch Covid-19 gây ra, điều rất quan trọng là phải thay đổi để thích ứng, qua đó phát triển.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gọi hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương sáng 10/4 là “hội nghị 4 trong 1” nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước để vượt khó vươn lên trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ông nhấn mạnh dịch bệnh có thể gây ra nhiều hệ lụy lớn cho kinh tế, xã hội, đời sống của người dân. Qua đó, Chính phủ phải hành động ngay để chặn đứng sự gãy đổ này, qua đó thích ứng với sự thay đổi và vươn lên.

“Phải có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt”

Theo Thủ tướng, dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt, sản xuất của toàn cầu và cả Việt Nam. Là nước hội nhập sâu với độ mở 200%, Việt Nam chịu nhiều tác động. Nhiều đối tác lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều nước dự báo suy thoái kinh tế nếu dịch không sớm kết thúc. Kinh tế thế giới có thể mất 5.000 tỷ USD trong năm nay.

Trong nước, quý I chứng kiến sự tăng trưởng thấp các ngành nghề. Nông nghiệp chỉ tăng trưởng 0,08%, công nghiệp và xây dựng chỉ tăng trên 5%, dịch vụ tăng chỉ trên 3,8%. Các ngành dịch vụ bị ảnh hưởng rất nặng nề. Dịch vụ tiêu dùng giảm 4% trong tháng 2 và -0,08% so với cùng kỳ 2019.

hoi nghi truc tuyen chinh phu voi dia phuong anh 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ, hàng không, sản xuất cầm chừng, thu hẹp thị trường, thiếu nguyên liệu, quy mô lao động.

Thủ tướng đánh giá đây là thời kỳ rất nhạy cảm, mang tính chất sống còn với khu vực sản xuất kinh doanh. Nếu không có biện pháp duy trì hoạt động kinh tế xã hội bình thường, nếu không phục hồi hoạt động kinh doanh thì dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội, thậm chí là bất ổn xã hội.

“Nếu không có biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt thì nền kinh tế dễ đổ gãy”, ông nói.

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đây là hội nghị trực tuyến 4 trong 1 nhằm huy động tổng lực các nguồn lực của đất nước với khí thế quyết tâm, tinh thần yêu nước để chiến thắng bệnh dịch, đồng thời cần sự nỗ lực vượt khó vươn lên trong sản xuất và đời sống.

Nhiệm vụ là đảm bảo nghiêm túc các biện pháp, không để lây lan; phải dập dịch, khống chế dịch bệnh. Biến "nguy thành cơ", sau dịch Covid-19 làm sao cho nền kinh tế tăng tốc, bù đắp tổn thất vừa qua. Ông chia sẻ, nhiều tổ chức quốc tế dự báo kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 7,7% vào năm 2021.

“Chúng ta hy vọng cuối quý II trở đi sẽ phục hồi trở lại. Tin tưởng không chỉ năm 2021 và cả các năm sau nữa sẽ tăng trưởng cao hơn”, Thủ tướng nói.

Cần thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân

Người đứng đầu Chính phủ nhắc đến thuyết tiến hóa của Darwin để nói về định hướng của Chính phủ nhằm thích ứng với các khó khăn thách thức phía trước.

“Không phải loài mạnh nhất sẽ sống sót, loài có khả năng thích ứng trước sự thay đổi tốt nhất mới sống sót. Thay đổi của chúng ta trước thách thức toàn cầu là điều rất quan trọng lúc này”, ông nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần có cơ chế, chính sách cụ thể đúng và trúng cho sản xuất. Tinh thần là Chính phủ sẽ làm ngay việc cấp bách trong thẩm quyền của Chính phủ. Việc gì vượt thẩm quyền sẽ báo cáo và tháo gỡ.

hoi nghi truc tuyen chinh phu voi dia phuong anh 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá đầu tư tư nhân có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hiện tại, để tháo gỡ sản xuất kinh doanh, Chính phủ đã có 2 gói chính sách. Gói tiền tệ 300.000 tỷ đồng không chỉ giúp doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, giãn nợ để duy trì hoạt động. Ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục hạ lãi suất, cùng đất nước vượt qua khó khăn.

Về chính sách tài khóa, Thủ tướng mới ký Nghị định 41 để gia hạn thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiền thuê đất… trị giá 180.000 tỷ đồng và khoảng 98% doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi.

Trong hội nghị này, dự kiến Bộ Tài chính cũng tiếp tục báo cáo dự thảo gói chính sách miễn giảm phí, lệ phí 40.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ sẽ thảo luận việc bố trí nguồn, bảo đảm nguồn cho phòng chống dịch, cân đối ngân sách trung ương và địa phương.

Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương thay đổi cách làm, quyết liệt cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, hoàn thiện quy định pháp luật, góp phần giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Cần ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn, đưa nền kinh tế để phục hồi thị trường sau dịch.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần thu hút nguồn lực đầu tư tư nhân và FDI lúc này. Ông đánh giá đầu tư tư nhân có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Do đó, các bộ ngành, địa phương cần lắng nghe khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, hiệp hội làng nghề. Chính phủ sẽ có riêng hội nghị toàn quốc với các doanh nghiệp.

Các cấp, các ngành cũng cần quan tâm phát triển các trung tâm lớn, các vùng động lực. Cần có kế hoạch cụ thể thu hút FDI, đón đầu xu thế dịch chuyển đầu tư sang các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Ông mong muốn các thành phố lớn cũng vươn lên trở thành đầu tàu trong phát triển.

Chính phủ cũng sẽ cố gắng giải ngân vốn đầu tư công với khoản tiền gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD. Chính phủ sẽ kiểm điểm trách nhiệm không chịu giải ngân, chuyển vốn công trình dự án không chịu triển khai, thành lập tổ công tác đặc biệt đi triển khai và đôn đốc.

Về an sinh xã hội, Thủ tướng đã ký ban hành gói 62.000 tỷ đồng. Ông lưu ý quan trọng là việc thực hiện ở các địa phương để tạo điều kiện cho người thiệt hại.

Bảo đảm trật tự an toàn xã hội, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, cơ quan địa phương, thành phố lớn, có kế hoạch, phương án giải pháp cụ thể, đảm bảo an ninh trật tự, chống nạn trộm cắp, tội đầu cơ nâng giá, quản lý di cư, trấn áp thế lực thù địch lợi dụng.

Hiếu Công

Bạn có thể quan tâm