Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, điều 344 quy định tội "Vi phạm các quyết định về hoạt động xuất bản" đã được chỉnh lý.
Theo bà Nga, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng quy định tại Điều 344 của xử lý hình sự đối với các hành vi: Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo (điểm a khoản 1); in xuất bản phẩm không có xác nhận đăng ký xuất bản (điểm b khoản 1); không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm (điểm e khoản 1) là quá nặng.
Theo đó, các trường hợp thuộc các điểm, khoản trên chỉ cần xử phạt vi phạm hành chính đã đủ sức răn đe, giáo dục.
"Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, điều 344 của dự thảo luật đã được chỉnh lý theo hướng không quy định xử lý hình sự đối với các hành vi: Không tuân thủ quy định về biên tập và duyệt bản thảo, in xuất bản phẩm không có xác nhận đăng ký xuất bản, không nộp xuất bản phẩm lưu chiểu nhưng vẫn phát hành xuất bản phẩm", Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội, trình bày báo cáo. Ảnh: Bảo Lâm. |
Ngoài ra, bà Lê Thị Nga cũng cho biết có ý kiến đề nghị điểm a, khoản 1, điều 344 của dự thảo luật do Chính phủ trình quy định cách tính số lượng trên tổng số xuất bản phẩm là mở rộng trách nhiệm hình sự, không phù hợp với quan điểm sửa đổi lần này, do đó đề nghị giữ cách tính như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
"Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ xin Quốc hội cho giữ quy định về số lượng của từng xuất bản phẩm như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015", bà Nga cho hay.
Khoản 1, điều 344 dự thảo luật sửa đổi, bổ sung quy định như sau: Người nào vi phạm các quy định về hoạt động xuất bản thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm:
a) In 2.000 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm mà không có quyết định xuất bản hoặc giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh hoặc không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật;
b) Xuất bản, in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã bị đình chỉ phát hành, bị thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy hoặc nhập khẩu trái phép với số lượng 500 bản trở lên đối với từng xuất bản phẩm;
c) Xuất bản, phát hành trên phương tiện điện tử xuất bản phẩm có nội dung bị cấm hoặc không có quyết định xuất bản, không có bản thảo đã được ký duyệt theo quy định của pháp luật.