Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GTVT yêu cầu giải trình việc lôi kéo nhân lực của Vietnam Airlines

"Hiện nay có tình trạng những hãng mới bỏ kinh phí ra để lôi kéo nhân lực của các hãng khác, trong đó có Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp tục trả lời chất vấn Chiều 5/6, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể tiếp tục trả lời các câu hỏi chất vấn từ phía đại biểu Quốc hội về nhiều vấn đề nóng của ngành.
Chat van Bo truong Giao thong Nguyen Van The anh 1
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Minh Quân.

  • Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 45 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại tranh luận với Bộ trưởng GTVT. Phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Trong lần thứ 2 trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng đã trả lời rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm, có lý giải và đưa ra cam kết, lộ trình thực hiện.

    Lĩnh vực GTVT được cử tri đặc biệt quan tâm, so với yêu cầu thực tế còn nhiều vấn đề cần triển khai. Có nhiều vấn đề không mới, đã diễn ra nhiều năm, được Quốc hội giám sát nhưng chuyển biến chậm gây bức xúc dư luận. Để khắc phục các hạn chế nêu trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ GTVT nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ.

    Riêng với các dự án, công trình được các đại biểu đề cập cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng tổng hợp, rà soát và xử lý theo đúng quy định của luật Đầu tư công và luật Ngân sách nhà nước.

    Chat van Bo truong Giao thong Nguyen Van The anh 2

  • Không để xảy ra trường hợp tương tự đường sắt Cát Linh - Hà Đông

    Theo phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nhiệm vụ tới đây cần khắc phục hạn chế yếu kém đã nêu. Trước hết phải đẩy nhanh tiến độ dự án giao thông đã được bố trí vốn trong kế hoạch trung hạn cũng như các dự án công tư, đẩy nhanh việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam, sân bay Tân Sơn Nhất.

    Ông khẳng định quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là phải lựa chọn nhà thầu, đầu tư công khai, minh bạch theo đúng quy định của pháp luật. Làm sao hạn chế thất thoát, lãng phí trong quá trình đầu tư xây dựng. Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh sẽ có ưu tiên nhà đầu tư trong nước đủ năng lực. Với nhà đầu tư nước ngoài phải là nhà đầu tư có năng lực, trách nhiệm, có uy tín và được kiểm chứng.

    Phó thủ tướng quán triệt không để xảy ra trường hợp đáng tiếc tương tự như đường sắt đô thị cát Linh - Hà Đông.

    Chat van Bo truong Giao thong Nguyen Van The anh 3

    Không đầu tư dự án BOT mới trên tuyến độc đạo

    Ông Trịnh Đình Dũng cho biết Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ các tuyến cao tốc trọng điểm. Cụ thể, yêu cầu cơ bản hoàn thành cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ vào 2020 và đã có kế hoạch bố trí vốn hỗ trợ, sẽ báo cáo Quốc hội những vấn đề phát sinh.

    Cùng với đó, Chính phủ, Bộ GTVT sẽ tháo gỡ khó khăn để sớm đưa vào khai thác các dự án đường sắt đô thị; đẩy nhanh các tuyến vận tải thủy nội địa; tập trung giải quyết bất cập trong BOT giao thông, đảm bảo quyền lợi các bên, tiếp tục rà soát, vừa đảm bảo dự án hoạt động và kiên quyết không đầu tư tuyến mới trên tuyến đường độc đạo.

    Phó thủ tướng cho biết tất cả các dự án chưa được ghi vốn hoặc bổ sung vốn dự phòng phải chuyển sang giai đoạn 2021-2025, trừ trường hợp huy động được nguồn vốn xã hội, song việc này là rất khó. Phó thủ tướng yêu cầu tập trung các nhiệm vụ chính, trong đó đường bộ phải xây dựng thêm ít nhất 3.000 km đường cao tốc.

    “10 năm qua chúng ta xây dựng được 2.000 km rồi thì 10 năm sau, với tốc độ phát triển kinh tế này phải xây dựng được 3.000 km nữa”, ông Dũng nói. Bên cạnh đó, phải tập trung xây dựng một số tuyến đường sắt ưu tiên như Hà Nội - Vinh, TP.HCM -Nha Trang, TP.HCM - Cần Thơ, nếu có điều kiện thì làm trong 2020.

  • Năm 2020 phải có 2.000 km đường cao tốc

    Báo cáo làm rõ thêm một số vấn đề, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhắc đến hàng loạt vấn đề trong đầu tư hạ tầng giao thông, giải quyết nút thắt cho các vùng, các địa phương hay tồn tại của các dự án BOT đường bộ, hàng không, các vấn đề liên quan hoạt động vận tải hay công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Theo ông, đây là những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.

    Trả lời cụ thể hơn, Phó thủ tướng đánh giá những năm qua Nhà nước dùng nhiều ngân sách và huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư hạ tầng giao thông, từ đó tạo ra hệ thống hạ tầng thay đổi nhanh chóng, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần thay đổi diện mạo giao thông.

    Tuy nhiên trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn bất cập. Trước hết, hệ thống hạ tầng giao thông thiếu đồng bộ, còn nhiều nút thắc cần giải quyết.

    Về đường bộ, Phó thủ tướng cho biết hiện đường bộ có khoảng 295.000 km, nhưng chỉ có hơn 977 km cao tốc, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Mục tiêu được Phó thủ tướng chỉ ra là đến 2020 phải có 2.000 km cao tốc.

    Hệ thống sân bay, cảng biển có bước phát triển nhưng hiện trạng quá tải tại một số sân bay vẫn diễn ra.

    Hệ thống đường sắt xây dựng cách đây cả trăm năm đã thiếu an toàn. Giao thông đường thủy nội địa chưa được khai thác hiệu quả.

    Việc kết nối các loại hình giao thông còn chậm, thiếu đồng bộ. Việc đầu tư hạ tầng cho vùng Đông Bắc, Tây bắc và kết nối giao thông giữa Tây Nguyên với duyên hai miền Trung và TP.HCM còn nhiều khó khăn; hạ tầng các đô thị lớn đầu tư chậm, đặc biệt là hệ thống đường sắt đô thị đã ảnh hưởng đến ách tắc giao thông, ô nhiễm môi trường đô thị.

    Đặc biệt, việc đầu tư hạ tầng giao thông cho ĐBSCL còn chưa đáp ứng sự phát triển; Cơ cấu các loại hình vận tải mất cân đối. Hệ thống đường sắt mới đáp ứng 1,31% tổng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và 1,97% với vận chuyển hành khách.

    Đặc biệt, đại biểu Quốc hội rất bức xúc về quản lý đầu tư, xây dựng các công trình giao thông còn nhiều hạn chế, yếu kém. Điển hình là tình trạng tăng vốn ở nhiều công trình trọng điểm, nhiều công trình chậm tiến độ, chất lượng thấp, việc quản lý vận hành dự án BOT còn nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân. Còn có lo ngại trong lựa chọn nhà đầu tư kém năng lực, an toàn giao thông diễn biến phức tạp…

  • Trả lời câu hỏi của đại biểu Hà (Lào Cai), ông Thể cho biết tình hình tai nạn giao thông hiện nay vẫn hết sức phức tạp. Việc giáo dục, nâng cao ý thức pháp luật cho người dân là rất quan trọng.

    “Hầu như tai nạn giao thông xảy ra với phương tiện 2 bánh. Người lái xe khi tham gia giao thông đều đã được học luật, có bằng lái đầy đủ. Tuy nhiên, ý thức chấp hành kém, dẫn đến việc phóng nhanh vượt ẩu, dẫn đến tai nạn”, ông Thể nói.

  • Không quan ngại nhà thầu Trung Quốc làm cao tốc Bắc - Nam

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) về vấn đề chặt cây, xén vỉa hè ở Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết trách nhiệm chính là của UBND Hà Nội và Sở GTVT. Tuy nhiên, Bộ sẽ phối hợp với Hà Nội để tư vấn xem xét về vấn đề này vì cây xanh là hết sức cần thiết cho người dân đô thị.

    Về một số nhà thầu Trung Quốc triển khai tham gia nhiều dự án, ông Thể thừa nhận một số nhà thầu có vấn đề về tiến độ như một số gói thầu ở cao tốc Hà Nội - Lào Cai, Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thanh tra các cấp, cơ quan điều tra cũng chưa xem xét, khởi tố, do đó, ông cho rằng các gói thầu này mặc dù có vấn đề về dư luận nhưng vẫn đảm bảo quy trình, quy phạm.

    Tuy nhiên, trước khi nghiệm thu, ông nhấn mạnh phải nghiệm thu chất lượng sản phẩm đưa vào, có kiểm tra chất lượng từng hạng mục, có hồ sơ cơ sở, Bộ trưởng Giao thông cho rằng không quan ngại về nhà thầu Trung Quốc tham gia dự án cao tốc Bắc - Nam hoặc các dự án khác. Quan trọng nhất là các ban QLDA, tư vấn giám sát phải thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của mình từ khâu đầu tiên đến bước cuối cùng thì các dự án sẽ đều đảm bảo quy trình, quy phạm.

  • Đã truy thu thuế hơn 66 tỷ với Uber

    Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nhất trí với ý kiến của đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) về thu thuế taxi công nghệ. Bộ trưởng cho rằng quy định hiện hành đã nêu rõ mức thuế áp dụng đối với các loại hình doanh nghiệp. Ngoài ra, tỷ lệ thuế GTGT đảm bảo phù hợp với từng lĩnh vực kinh doanh và tương đồng với doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực.

    Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng báo cáo với Quốc hội 9 công ty vận tải taxi từ năm 2018 đến nay đã kê khai và nộp 437 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục thuế TP.HCM đã kiểm tra và truy thu 66,68 tỷ đồng tiền thuế từ Công ty Uber giai đoạn 2014-2016.

    Trong thời gian tới, ông Dũng khẳng định tiếp tục kết nối, cung cấp thông tin liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách. Công tác kiểm tra, thanh tra cũng sẽ được Bộ cùng các cơ quan liên ngành tăng cường thực hiện nhằm chống thất thu thuế từ kinh doanh vận tải điện tử.

  • Giải pháp nào cho giao thông Tây Nguyên?

    Về các công trình giao thông ở tỉnh An Giang, Bộ trưởng Thể cho biết Bộ đang phối hợp với địa phương bàn giao mặt bằng.

    “Dự án này Chủ tịch nước cũng đã ký, thông qua hiệp đinh và Bộ Tài chính đang làm việc với ADB, sẽ sớm khởi công dự án tuyến tránh của TP An Giang”, ông trả lời.

    Về việc kết nối Tây Nguyên với các vùng miền khác, Bộ trưởng Thể cho biết giao thông vùng này mới tập trung vào 2 loại hình là đường bộ và đường hàng không. Khu vực này không có sông ngòi nên việc phát triển giao thông đường thủy không khả thi.

    Ngoài ra, về giao thông đường sắt, ông Thể cho biết nhiều địa phương cũng đang rất thiếu, rất cần. Nguồn lực có hạn nên Bộ sẽ chỉ nghiên cứu, tập trung vào các loại hình giao thông đáp ứng được nhu cầu sớm trước.

    “Hiện nay, nhiều tỉnh ở Tây Nguyên đã có sân bay nên sẽ thuận tiện trong phát triển đường hàng không. Còn hàng hóa, chủ yếu vẫn được chuyển bằng đường bộ. Thời gian vừa qua, chúng ta đã triển khai nâng cấp quốc lộ 24, 25 và 19 cùng với hệ thống đường hiện nay, từng bước cải thiện kết nối Tây Nguyên với các khu vực khác”, Bộ trưởng GTVT trả lời.

  • Đại biểu tranh luận với Bộ trưởng Thể về nhân lực hàng không

    Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) tranh luận lại về 25 dự án chậm tiến độ, về dự án nâng cấp quốc lộ 37 qua địa phận Thái Bình, Hải Phòng có nằm trong danh sách này không. Dự án đã triển khai từ 2015 nhưng đến nay giải phóng mặt bằng đã kiểm đếm mà chưa xong bồi thường khiến dân bức xúc. Đại biểu hỏi Bộ trưởng bao giờ dự án này tiếp tục triển khai.

    Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng tranh luận với Bộ trưởng Thể vấn đề về bình đẳng hàng không. Theo ông, chúng ta cần có chính sách với hàng không. Nếu nói hãng mới thực hiện lôi kéo nguồn lực thì không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động nên phải thực hiện đúng quy định chứ không thể nói người ta làm sai.

    Ông cũng chất vấn về việc xe cứu hộ không được đi vào những tuyến phố trong giờ cao điểm.

    Chat van Bo truong Giao thong Nguyen Van The anh 4

  • Hãng bay mới lôi kéo khiến Vietnam Airlines ảnh hưởng nghiêm trọng

    Bộ trưởng Thể trả lời hàng loạt câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.

    Về việc thí điểm trung tâm xe điện ở Sầm Sơn, Thanh Hóa, Bộ trưởng GTVT cho biết trách nhiệm theo phân cấp thuộc về UBND tỉnh Thanh Hóa. Bộ GTVT đã tham mưu Chính phủ cùng tỉnh Thanh Hóa xử lý nhiều lần. "Tiếp thu đề xuất của đại biểu, chúng tôi sẽ bố trí Thanh tra Bộ vào cuộc làm rõ vấn đề này", ông Thể nói.

    Về trách nhiệm của Nhà nước liên quan đến các BOT gây bức xúc, Bộ trưởng GTVT cho biết vai trò của Nhà nước không phải giải quyết tình trạng mà phải giải quyết cả hệ thống. Về phía Nhà nước, cụ thể là Bộ GTVT đã báo cáo thường xuyên với Thường trực Chính phủ, nhưng tất cả giải pháp đều đi đến bước nếu muốn giải quyết toàn bộ bức xúc thì nhà nước phải bỏ kinh phí ra để mua lại, bởi tất cả các dự án này đều thực hiện đúng theo Nghị định 108. Nhưng nguồn lực đang khó khăn.

    Về vấn đề bảo đảm bình đẳng giữa hãng hàng không Nhà nước và tư nhân, Bộ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị này hoạt động. Tuy nhiên, có tình huống là khi phát sinh hãng mới, mua về nhiều tàu bay, đáng lẽ các hãng mới phải thu hút nhân lực nước ngoài hoặc tự đào tạo nguồn nhân lực.

    "Hiện nay có tình trạng những hãng mới bỏ kinh phí ra để lôi kéo nhân lực của các hãng khác, trong đó có Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam, khiến toàn bộ các kế hoạch của hãng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chúng tôi yêu cầu phải giải trình, làm rõ nguồn nhân lực được đào tạo như thế nào, đảm bảo công bằng giữa Hãng hàng không Quốc gia và tư nhân", ông Thể nói.

    Chat van Bo truong Giao thong Nguyen Van The anh 5

  • Bộ trưởng Thể nói về việc lôi kéo nhân lực trong ngành hàng không

  • Bộ trưởng GTVT khẳng định làm đúng khi đặt trạm thu phí BOT

    Trả lời đại biểu Đặng Thuần Phong, Bộ trưởng Thể nói: Việc đặt trạm BOT Cai Lậy và T2 thực hiện theo Nghị định 108 của Chính phủ. Nghị định 108 yêu cầu khi tổ chức đặt trạm thì phải lấy ý kiến của chính quyền địa phương, có nghĩa là lấy ý kiến của UBND tỉnh nơi đặt trạm.

    Tuy nhiên Bộ GTVT rất thận trọng, chúng tôi lấy ý kiến của 3 đơn vị HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Đoàn ĐBQH.

    Việc bức xúc hiện nay có liên quan đến nhiều vấn đề. Với trạm T2, chúng tôi chuẩn bị khởi công tuyến tránh TP Long Xuyên. Khi có tuyến tránh thì mọi vấn đề bức xúc liên quan đến T2 sẽ được giải quyết ổn thỏa. Hiện, chúng tôi đã tạm dừng thu phí.

    Về BOT Cai Lậy, Thủ tướng đã giao 3 phó thủ tướng xem xét. Bộ GTVT cũng đã trình các phương án. Tôi khẳng định chúng ta thực hiện đúng theo Nghị định 108.

  • Vai trò của Nhà nước ở đâu khi đặt trạm BOT?

    Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) hỏi 2 vấn đề. Về BOT, ông Phong cho rằng chưa minh bạch từ đấu thầu, đặt trạm, mức phí, thời gian thu phí đều gây bức xúc dư luận. Ông hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì dứt điểm? Đặc biệt với trạm BOT Cai Lậy và T2 thì quan điểm của Bộ trưởng thế nào?

    Ông cũng nêu vấn đề về suất đầu tư vào hạ tầng giao thông ĐBSCL rất thấp, vì đây là vấn đề lớn. Ông mong Chính phủ quan tâm trao đổi về vấn đề này, vì ĐBSCL còn mãi trì trệ.

    Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị Bộ trưởng GTVT làm rõ hàng loạt vấn đề. Một là ông đã đề nghị thanh tra việc thí điểm xe điện 4 bánh ở Sầm Sơn, Thanh Hóa có rất nhiều bất cập, sao Bộ không tranh tra.

    Hai là việc đặt trạm BOT là việc của Nhà nước và nhà đầu tư nhưng khi dân bức xúc lại không thấy vai trò gì của Nhà nước.

    Ba là đề nghị Bộ trưởng cho biết làm thế nào để đảm bảo công bằng giữa hàng không tư nhân và hàng không quốc doanh, đảm bảo lợi ích người dân.

    Đề nghị bộ trưởng cho biết việc xây dựng tuyến đường sắt cao tốc sẽ theo kịch bản nào để đảm bảo hiệu quả.

    Năm, đề nghị xem xét việc xử lý tại Tổng công ty vận tải thủy Việt Nam.

    Vấn đề cuối cùng, ông Nhưỡng đề nghị Bộ trưởng cho biết về chiến lược cứu hộ giao thông Việt Nam.

  • Cử tri bức xúc khi chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến cao tốc Bắc - Nam

    Đại biểu Đỗ Đại Phong (Thái Nguyên) gửi tới bộ trưởng 2 câu hỏi. Theo ông, mỗi lần nâng cấp, cải tạo, làm mới đường giao thông, chúng ta phải dành nguồn ngân sách rất lớn để giải quyết vấn đề GPMB, đền bù cho nhân dân, gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước. Bộ trưởng có giải pháp gì hạn chế tình trạng trên.

    Câu hỏi thứ hai ông gửi tới Bộ trưởng Thể là khi thi công các công trình giao thông thường gây sụt, lún, nứt nhà dân. Bộ trưởng chỉ đạo khắc phục tình trạng trên thế nào?

    Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) sau khi nghe bộ trưởng trả lời 3 đại biểu về dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thấy nhiều vấn đề chưa rõ. Dẫn báo cáo của Bộ GTVT cho thấy hiện dự án đang hoàn thành các giai đoạn còn lại trong năm 2019, nhưng có nguy cơ kéo dài do tổng thầu chậm triển khai các công việc theo cam kết.

    “Với trả lời của Bộ trưởng và báo cáo như vậy, dự án này không biết sẽ hoàn thành và khai thác thương mại khi nào? Chúng ta phải phụ thuộc vào tổng thầu, tôi thấy điều này rất khó chấp nhận, tạo sao cứ mãi phụ thuộc vào tổng thầu như vậy. Cách xử lý vấn đề này ra sao”, ông Minh chất vấn Bộ trưởng Thể.

    Ông cũng hỏi về cách xử lý trách nhiệm trong việc này khi dự án đã tồn tại nhiều năm, và nếu tổng thầu vi phạm có xử lý không hay chỉ xác định trách nhiệm rồi để đấy, các thiếu sót tồn tại vẫn tiếp diễn.

    Đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) chất vấn thực tế nhiều công trình giao thông đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, nhiều dự án và hạng mục công trình giao thông cần vốn đầu tư lớn, trong khi đó vốn ngân sách Nhà nước hạn hẹp, nguồn lực trong dân rất dồi dào. “Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết vấn đề này”, ông Tuân hỏi.

    Ông cũng dẫn báo cáo của bộ cho thấy có 25 dự án đang thực hiện nhưng khó khăn về nguồn vốn, khả năng phải đình hoãn. “Số liệu thống kê như vậy đã hết chưa hay còn nhiều hơn thế? Bộ trưởng có giải pháp gì”, đại biểu Thái Bình chất vấn.

    Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) gửi câu hỏi đến Bộ trưởng Thể và Chính phủ. Ông nói vừa qua nhiều cử tri và chuyên gia kinh tế rất bức xúc về thông tin chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm đến dự án cao tốc Bắc - Nam. Cử tri cho rằng đây là “tín hiệu sai” khi chúng ta xúc tiến chưa tốt. Cử tri đề nghị dự án cao tốc Bắc - Nam phải là công trình tiêu biểu của các thế hệ hiện nay, để lại cho con cháu hàng trăm năm sau, do đó con đường này phải là dự án chất lượng cao, bền vững, bảo đảm các yêu cầu.

    “Nếu có cách làm tốt, công khai, minh bạch thì sẽ huy động được nguồn vốn chủ yếu từ các doanh nghiệp Việt Nam, giảm gánh nặng nợ công và nợ nước ngoài”, ông Nghĩa nói. Cử tri còn hỏi Chính phủ có giải pháp gì bảo đảm không lặp lại vấn nạn và hệ lụy từ việc chọn thầu giá rẻ, cuối cùng là công nghệ thấp, hiệu quả kém. Nếu xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?

    Hàng loạt nhà đầu tư nước ngoài ứng tuyển xây dựng cao tốc Bắc - Nam

    Hàng chục nhà đầu tư trong đó nhiều đơn vị nước ngoài gửi hồ sơ đăng ký tham dự vào quá trình xây cao tốc Bắc - Nam. Dự án được khẳng định khắc phục các nhược điểm của BOT.

Nhóm phóng viên

Bạn có thể quan tâm