Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Giao thông sẽ làm việc với Uber vào đầu tuần tới

Công ty Uber đã có thư gửi Bộ Giao thông Vận tải bày tỏ mong muốn được gặp và làm việc với Bộ về các vấn đề liên quan. Dự kiến buổi làm việc sẽ diễn ra vào đầu tuần tới.

Trong thư gửi Bộ trưởng Giao thông Vận tải, Uber bày tỏ cảm ơn vì Bộ đã dành sự quan tâm và tạo điều kiện cho doanh nghiệp này. Ngoài ra, đại diện Uber cũng đề nghị được gặp gỡ với lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải để làm rõ các vấn đề liên quan về mặt pháp lý và hoạt động của hãng này tại Việt Nam. Được biết, sáng thứ 2 tuần tới (8/12), một Thứ trưởng của Bộ sẽ làm việc với Uber.

Trao đổi với Zing.vn, ngày 5/12, ông Khuất Việt Hùng (Phó chủ tịch UB An toàn Giao thông Quốc gia) cho rằng, điểm vướng mắc của người kinh doanh qua Uber hiện nay chủ yếu là hình thức đi xe chung. Còn lại nếu các đơn vị này kinh doanh có hợp đồng, có phù hiệu thì không có vấn đề gì khó.

Nếu được Chính phủ cho phép, dịch vụ từ Uber sẽ tạo một cú hích trong sự cạnh tranh dịch vụ vận tải hiện nay

"Nếu xe cá nhân tham gia Uber có đăng ký kinh doanh, có hợp đồng thì là không vi phạm. Phần đăng ký kinh doanh của Uber sẽ có thêm dịch vụ hỗ trợ vận tải, phải ghi rõ nộp thuế ở đâu, mã số thuế dịch vụ. Đồng thời Uber phải cam kết nếu có tranh chấp kinh tế thì phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam chứ không phải pháp luật của Hà Lan hay một nước nào đó như họ đang ghi trên website. Tất cả các xe tham gia đội xe phải dán logo, phù hiệu đầy đủ", ông Hùng nói.

Vẫn theo ông Hùng, ưu thế của Uber hiện nay là một chợ bán dịch vụ vận tải hợp đồng. Nếu Chính phủ cho thí điểm, Uber sẽ thực sự cạnh tranh với mô hình taxi truyền thống, tạo cú hích rất lớn tăng sự cạnh tranh trong dịch vụ vận tải hiện nay.

Liên quan tới vấn đề này, ngày 4/12, Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội đã có công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị tạm dừng hoạt động của taxi qua dịch vụ Uber tại Việt Nam cho đến khi cơ quan Nhà nước có chế tài, quy định cụ thể đối với loại hình dịch vụ này.

Theo hiệp hội này, nhược điểm taxi Uber tại Việt Nam do Uber không phải là đơn vị kinh doanh vận tải, chỉ làm nhiệm vụ kết nối giữa lái xe và hành khách, không được điều chỉnh bởi Luật Giao thông đường bộ Việt Nam. Taxi Uber là hoạt động vận tải trực tiếp thu tiền của người đi xe, không thông qua đơn vị kinh doanh vận tải là trái với luật Giao thông đường bộ và nghị định kinh doanh vận tải bằng ôtô, không đáp ứng được đầy đủ các điều kiện kinh doanh vận tải gồm: không có đăng ký kinh doanh, không giấy phép kinh doanh vận tải.

Trước đó, Tổng Giám đốc Uber khu vực Đông Nam A, ông Michael Brown khẳng định đơn vị này đã đăng ký kinh doanh về công nghệ tại Việt Nam và không hề trốn thuế. Đại diện Uber cũng cam kết chỉ làm việc với các đối tác có giấy phép kinh doanh vận tải đường bộ theo đúng quy định của pháp luật. 

Thiên Lam

Bạn có thể quan tâm