Rượu Baijiu thường được uống để chúc mừng một thỏa thuận thành công. Ảnh: Bloomberg. |
Theo Bloomberg, thương hiệu rượu Jinliufu đã trở thành một cái tên quen thuộc ở Trung Quốc suốt hai thập kỷ. Sự nổi tiếng của hãng rượu này được thúc đẩy nhờ một quảng cáo truyền hình có sự tham gia của huấn luyện viên bóng đá Bora Milutinovic, người đã đưa đội tuyển Trung Quốc đến vòng chung kết World Cup 2002.
Ông Wu Xiangdong chính là chủ nhân của thương hiệu rượu Jinliufu, người được mệnh danh là “bố già Baijiu” và nắm trong tay quyền kiểm soát của 12 hãng rượu mạnh khác.
Baiju là một loại rượu mạnh xuất phát từ Trung Quốc và thường được làm từ ngũ cốc hoặc ngô, cũng như gạo nếp, lúa mì, lúa mạch. Người dân thường uống loại rượu này để ăn mừng một thỏa thuận thành công.
Thương vụ IPO chấn động
ZJLD Group, doanh nghiệp mà ông Wu Xiangdong giữ chức Chủ tịch HĐQT, đã đánh dấu thương vụ IPO lớn nhất tại Hong Kong trong năm nay. Số tiền mà công ty huy động được đạt khoảng 675 triệu USD.
“Các công ty bán loại rượu Baijiu thường được định giá cao hơn so với những loại đồ uống có cồn khác. ZJLD có nhiều thương hiệu đang hoạt động và điều đó giúp doanh nghiệp phục vụ đa dạng nhóm khách hàng”, ông Kakei Lam, chuyên viên đầu tư tại Metaverse Securities ở Hong Kong, cho biết.
ZJLD thường kinh doanh các sản phẩm rượu thuộc phân khúc cao cấp. Ảnh: Reuters. |
Cổ phiếu công ty rượu đã tăng mạnh sau khi các tin tức về vụ IPO được đăng tải. Theo Bloomberg Billionaires Index, tổng số tài sản của ông Wu, người sẽ sở hữu khoảng 69% cổ phần của ZJLD, đã vượt ngưỡng 4 tỷ USD, tăng thêm hơn 3 tỷ USD so với thời điểm đầu năm.
Thậm chí, trong thực tế, ông Wu có thể giàu hơn nữa. Nguyên nhân là tài sản hiện tại của ông chưa bao gồm lợi nhuận từ 8 thương hiệu rượu baijiu khác, đây là những công ty không công bố về số liệu tài chính.
“Bố già Baijiu” cũng nắm giữ 63% cổ phần của Công ty Vats, một nhà phân phối rượu đã niêm yết cổ phiếu tại Thâm Quyến vào năm 2019.
ZJLD là nhà sản xuất rượu baijiu đầu tiên niêm yết bên ngoài Trung Quốc. Doanh thu của công ty đã tăng 15% vào năm ngoái và đạt mức 850 triệu USD. Thành tích này đã giúp doanh nghiệp trở thành đơn vị bán loại rượu baijiu lớn thứ tư trong số các nhà sản xuất tư nhân tại Trung Quốc.
Hành trình lập nghiệp của tỷ phú
Ông Wu học kinh doanh xuất nhập khẩu tại một trường cao đẳng ở quê nhà Hồ Nam (Trung Quốc). Tiếp đó, ông gia nhập Macrolink Group, một doanh nghiệp do anh rể thành lập vào năm 1992.
Sau 4 năm, ông đã quyết định nghỉ việc và chuyển sang sản xuất rượu baijiu. Thời điểm đó, Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chóng mặt và ông coi rượu như một “thước đo” của hoạt động kinh tế. Lý do là người dân thường uống rượu sau khi ký kết thành công một thương vụ.
Ông bắt đầu phân phối mặt hàng này vào năm 1996 và thành lập Công ty Jinliufu sau 2 năm. Đế chế rượu của ông Wu phát triển thần tốc khi các thương hiệu hàng đầu trong khu vực là Xiang Jiao và Kai Kou Xiao đều bị thâu tóm vào năm 2003.
Ông Wu mở thêm Công ty Vats vào năm 2005, đơn vị này chuyên bán các loại rượu baijiu địa phương như Moutai và Wuliangye. Bên cạnh đó, đây cũng là nhà phân phối độc quyền của một số thương hiệu rượu quốc tế như Chateau Lafite và Penfolds.
Ngành công nghiệp rượu baijiu của Trung Quốc đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong những năm gần đây do chính sách Zero Covid-19 của chính phủ.
Trong khi ZJLD đánh giá nhu cầu có thể suy giảm, tâm lý người tiêu dùng thực tế vẫn đang tăng lên. Nhà phân tích Ada Li của Bloomberg Intelligence dự đoán doanh thu của công ty có thể tăng cao hơn so với các doanh nghiệp cùng ngành nhờ nhu cầu về rượu baijiu cao cấp và siêu cao cấp ngày càng lớn.
“Doanh số bán hàng của ZJLD có thể được hưởng lợi từ xu hướng cao cấp hóa đang diễn ra trên thị trường rượu baijiu của Trung Quốc”, bà Li cho biết.
Không chỉ vậy, vị chuyên gia này còn cho rằng thị phần của các thương hiệu rượu baijiu cao cấp có thể đạt 48% vào năm 2026. Trong năm 2021, con số này chỉ dừng lại ở khoảng 36%.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.