Cộng đồng sử dụng Internet tại Mỹ đang xôn xao vì thông tin Ủy ban Truyền thông liên bang (FCC) dự định xem xét bãi bỏ quy định về sự bình đẳng trên Internet (net neutrality), được ban hành từ thời Tổng thống Obama. Điều này nếu xảy ra sẽ gây ảnh hưởng rất nhiều đến người dùng Internet.
"Net neutrality" là một khái niệm cho rằng mọi loại dữ liệu trên mạng Internet đều có tính chất bình đẳng như nhau. Do đó, các nhà cung cấp mạng không có quyền ưu tiên bất cứ loại dữ liệu thuộc bất kỳ công ty, tập đoàn nào, cũng như tính phí phát sinh khi người dùng truy cập các trang web nhất định.
Theo quy định về "net neutrality", tất cả những dữ liệu trên Internet đều bình đẳng như nhau. |
Nếu việc bãi bỏ quy định về "net neutrality" được thông qua, các nhà cung cấp dịch vụ mạng (ISP) sẽ có quyền chặn các ứng dụng, website mà họ không thích, hoặc yêu cầu người dùng trả thêm phí nếu muốn truy cập các dịch vụ này. Nói cách khác, nếu "net neutrality" bị bãi bỏ, người dùng có thể phải trả thêm tiền để được truy cập các trang web như Reddit, Facebook, Wikipedia, Netflix… FCC cho rằng việc này là cần thiết để "giải cứu Internet".
Trước đó, việc áp thêm phí dịch vụ cho việc sử dụng một số ứng dụng, website nhất định đã được áp dụng ở Bồ Đào Nha. Nhà mạng MEO ở nước này đang cung cấp nhiều gói dịch vụ riêng biệt, chẳng hạn gói truy cập mạng để xem phim nghe nhạc, gói xem YouTube, gói truy cập mạng xã hội...
Điều này đồng nghĩa người dùng Bồ Đào Nha ngoài khoản cước phí sử dụng Internet hàng tháng, còn phải trả thêm một khoản nữa để có thể truy cập một số website hoặc ứng dụng nhất định.
Ví dụ, với gói dịch vụ dành riêng cho việc nhắn tin có giá khoảng 4,99 Euro/tháng (tương đương 130.000 VND), người dùng được quyền truy cập vào WhatsApp, Skype, FaceTime. Gói mạng xã hội có giá tương đương cho phép người dùng truy cập một số ứng dụng như Facebook, Instagram, Snapchat, Messenger.
Các gói dịch vụ mạng của một công ty cung cấp Internet ở Bồ Đào Nha. |
Ý định của FCC đang vấp phải sự phản đối của người dùng và nhiều chuyên gia tại Mỹ. "Nếu không có quy định về 'net neutrality', những startup nhỏ lẻ sẽ không thể nào cạnh tranh lại với những tên tuổi lớn, bởi người dùng đã bị lệ thuộc hoàn toàn vào họ. Điều này không công bằng chút nào", Ro Khanna - thành viên Hạ viện Mỹ phát biểu.
Cụ thể, các tập đoàn lớn có khả năng móc nối với nhà mạng, trả nhiều tiền hơn để thông tin của họ đến với người dùng nhanh nhất, đồng thời đè bẹp đối thủ khác theo phương pháp "cá lớn nuốt cá bé".
"Tệ hơn nữa, các nhà cung cấp mạng sẽ có toàn quyền chi phối và thao túng thông tin, theo kiểu 'chúng tôi không thích trang này, block thôi' hoặc 'trang web này muốn cạnh tranh với mình, block luôn", Yonatan Zunger - cựu nhân viên Google - bình luận.
Hiện tại, dư luận Mỹ vẫn đang tranh cãi về vấn đề này.