Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương: Vẫn cần quỹ bình ổn giá xăng dầu

Theo cơ quan điều hành, quỹ bình ổn xăng dầu để đảm bảo quyền lợi của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời có tác dụng tránh giảm sốc khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh.

Tại họp báo thường kỳ Chính phủ chiều 6/9, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ để "giảm chấn" trong trường hợp giá tăng sốc hoặc giảm mạnh.

Theo ông Chi, việc sử dụng công cụ điều hành này giúp quyền lợi của người dân và doanh nghiệp được đảm bảo. "Quỹ bình ổn xăng dầu không dùng cho ngân sách và cũng không cho bất kỳ ai. Chỉ phục vụ điều hành, điều hòa giá trong nước khi giá xăng dầu thế giới biến động mạnh", Thứ trưởng Chi nói.

Vẫn cần thiết

Về việc Bộ Tài chính đang soạn thảo Luật Giá, trong đó có phương án bỏ các loại quỹ như quỹ bình ổn giá xăng dầu, ông Chi cho rằng Bộ đã đưa ra các phương án khác nhau để xem xét, đánh giá về việc có giữ quỹ bình ổn giá xăng dầu hay không.

"Trên cơ sở ý kiến đóng góp của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia, Bộ sẽ tiếp thu, đề xuất cấp có thẩm quyền phương án có lợi nhất", lãnh đạo Bộ Tài chính nói.

quy binh on xang dau anh 1

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi. Ảnh: Hồng Quang.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết hiện nay, việc điều hành giá xăng dầu được liên Bộ Công thương - Tài Chính phối hợp chặt chẽ, đảm bảo nguồn cung năng lượng, trong đó, có mặt hàng xăng dầu.

Về quỹ bình ổn xăng dầu, cơ quan điều hành sẽ trích và chi thích hợp. Đơn cử, 8 kỳ chi liên tục từ ngày 21/1 đến 21/4 sau đó 5 kỳ liên tục tăng từ ngày 1/4 đến 21/6 chúng ta cũng chi liên tục. Điều này khiến giá bình quân thành phẩm xăng dầu trên thế giới tăng 11,38-45,95% nhưng trong nước đến kỳ điều hành ngày 22/8 chỉ tăng 1,14-40,37%.

"Đến khi giá giảm nhiều chúng ta lại trích vào quỹ một phần. Một điều rất quan trọng, ở Việt Nam, nếu giá xăng tăng, các mặt hàng khác tăng, nhưng khi xăng giảm thì các mặt hàng khác không giảm. Nếu để giá xăng tăng đúng mức độ, không có quỹ bình ổn thì giá các mặt hàng khác sẽ tăng cao hơn", ông Hải nhìn nhận.

Giá dầu cao hơn giá xăng có bất thường?

Chia sẻ về vấn đề giá dầu diesel lần đầu tiên vượt giá xăng, ông Hải cho biết từ trước đến nay giá bán lẻ xăng luôn cao hơn giá dầu diesel và dầu hỏa. Tuy nhiên, ở kỳ điều hành ngày 5/9, lần đầu tiên giá bán lẻ 2 mặt hàng này vượt giá xăng.

Về nguyên nhân, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng sau xung đột Nga - Ukraine, nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm khiến nhu cầu dầu diesel, dầu hỏa tăng để thay thế khí đốt. Điều này dẫn đến giá sản phẩm dầu tăng lên mức tương đương hoặc cao hơn giá xăng.

Hiện, trên thế giới bình quân giá dầu diesel đã lên mức 143 USD/thùng trong khi giá xăng chỉ ở mức 105 USD/thùng. Tại thị trường trong nước, do trong cơ cấu giá xăng và dầu thì mức thuế và chi phí định mức khác nhau.

DIỄN BIẾN GIÁ DẦU DIESEL VÀ XĂNG RON 95 TỪ ĐẦU NĂM ĐẾN NAY

Nhãn 11/1 21/1 11/2 21/2 1/3 11/3 21/3 1/4 12/4 21/4 4/5 11/5 23/5 1/6 13/6 21/6 1/7 11/7 21/7 1/8 11/8 22/8 5/9
RON 95 đồng/lít 23870 24360 25320 26280 26830 29820 29190 28150 27310 27990 28430 29980 30650 31570 32370 32870 32760 29670 26070 25600 24660 24660 24230
Dầu diesel
18230 18900 19860 20800 21300 25268 23633 25080 24380 25359 25530 26650 25550 26390 29020 30010 29960 26590 25200 23900 22900 23750 25180

"Bình quân thuế nhập khẩu dầu chỉ ở mức 0-0,12% còn xăng 9,7%; thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0%, còn xăng 10%. Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước luôn cao hơn giá dầu. Tuy nhiên, tại kỳ điều hành giá ngày 5/9, vì giá xăng và dầu thế giới có sự chênh lệch lớn khiến giá bán lẻ dầu trong nước lần đầu tiên cao hơn giá xăng", ông nói.

Ông Hải cho biết cơ quan điều hành rất chia sẻ với các đối tượng sử dụng dầu diesel như doanh nghiệp vận tải, ngư dân... Bộ đã báo cáo Thủ tướng có chính sách hỗ trợ và ngày 12/8, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Lê Văn Thành về nghiên cứu các kiến nghị, hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao.

Chia sẻ thêm, người phát ngôn Bộ Công Thương cho biết ở các nước như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Đan Mạch... giá dầu cũng cao hơn giá xăng. Đơn cử, ngày 6/9, tại Mỹ, giá xăng chỉ 4,5 USD/gallon nhưng giá dầu ở mức 5,059 USD/gallon.

Từ 15h ngày 5/9, giá dầu hỏa và dầu diesel tiếp tục có mức tăng mạnh đưa mặt hàng này lần đầu tiên trong lịch sử vượt giá xăng trong nước. Cụ thể, dầu diesel tăng 1.430 đồng/lít lên 25.180 đồng/lít; dầu hỏa tăng thêm 1.390 đồng lên 25.440 đồng/lít...

Trong khi giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 23.350 đồng/lít và xăng RON 95 là 24.230 đồng/lít. Hiện, giá dầu diesel đã tăng gần 7.000 đồng/lít so với đầu năm, tức tăng 38,12%; trong khi xăng RON 95 và E5 RON 92 đã giảm về mức tương đương đầu tháng 1.

Hệ lụy khi giá dầu diesel đắt hơn xăng

Các lĩnh vực từ trồng trọt, thực phẩm đến những ngành công nghiệp nặng đều phụ thuộc vào dầu diesel. Khi giá nhiên liệu này liên tục tăng cao, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Bộ Công Thương thành lập khẩn 3 đoàn kiểm tra xăng dầu

Các đoàn sẽ thực hiện đợt kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đồng thời sẽ hoạt động liên tục đến hết năm và đến khi ổn định tình tình.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm