Bộ Công Thương vừa có báo cáo chính thức trình Thủ tướng về Thông tư 20 (quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống) sau khi xin ý kiến các Bộ, ngành, Hiệp hội có liên quan, đồng thời tập hợp, nghiên cứu nghiêm túc ý kiến của người dân và các doanh nghiệp.
Theo đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng không chấp thuận đề xuất rút ngành, nghề "kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng xe ô tô" khỏi Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư 2014.
Các doanh nghiệp kinh doanh ôtô tại Việt Nam đang chờ chỉ thị của Thủ tướng liên quan đến việc gia hạn hay gỡ bỏ Thông tư 20. Ảnh: Lê Hiếu.
|
Không phải điều kiện đầu tư kinh doanh
Khẳng định Thông tư 20 không trái luật, có mục tiêu chính đáng, Bộ Công Thương lý giải, văn bản trên không nhằm "hạn chế nhập khẩu" hoặc "kiềm chế nhập siêu" mà chỉ mang mục đích "bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn giao thông đường bộ".
Bộ cho rằng, tới thời điểm hết hiệu lực (ngày 1/7/2016), Thông tư 20 đã đạt được mục đích quan trọng là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông đường bộ. Người tiêu dùng được sử dụng xe nhập khẩu chính hãng hoặc được chính hãng ủy quyền nhập khẩu, đồng thời được hưởng chế độ bảo hành, bảo dưỡng và mọi chế độ liên quan khác do chính hãng cam kết thông qua nhà nhập khẩu, phân phối.
“Việc áp dụng Thông tư 20 cũng đã triệt tiêu hoàn toàn tình trạng vô trách nhiệm đối với người tiêu dùng nói riêng và toàn xã hội nói chung của một số nhà nhập khẩu, phân phối ôtô trước đây”, Bộ Công Thương nêu rõ.
Cho rằng thông tư 20 không phải là điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ Công Thương phân tích, bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có quyền "bỏ vốn đầu tư" thành lập tổ chức kinh tế để kinh doanh ôtô mà không cần phải tuân thủ Thông tư 20.
Đồng thời, Thông tư 20 đơn thuần là một thủ tục hành chính được áp dụng đối với đa số hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu để bảo đảm một mục tiêu quản lý, không riêng đối với mặt hàng ôtô nhập khẩu mới.
Vì Thông tư 20 là một thủ tục hành chính áp dụng chung cho mọi thương nhân nhập khẩu, do đó, Bộ Công Thương chỉ rõ Thông tư 20 không vi phạm quy định nào của Luật Cạnh tranh. Đồng thời, quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ cũng khẳng định Thông tư 20 không vi phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ.
Chưa phải giải pháp toàn diện
Dù vậy, Bộ thừa nhận thông tư này chưa phải là giải pháp toàn diện nhất và tốt nhất để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông.
Cụ thể, thông tư chỉ điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống, không điều chỉnh các loại phương tiện khác trong khi rủi ro gây mất an toàn và rủi ro xâm phạm quyền lợi của người tiêu dùng của tất cả các loại phương tiện là như nhau. Không những thế, Thông tư 20 cũng chỉ áp dụng cho hàng nhập khẩu, không áp dụng cho hàng sản xuất trong nước.
Do vậy, để thực sự bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và bảo đảm an toàn giao thông, các quy định như của Thông tư 20 cần được áp dụng chung cho tất cả các loại phương tiện tham gia lưu thông, bất kể là xe chở người hay chở hàng, bất kể nơi sản xuất.
Theo Bộ Công Thương, cơ quan duy nhất có thẩm quyền ban hành các quy định như vậy là Bộ GTVT.
“Quy định đó phải là quy định trong nước để áp dụng chung cho cả xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước, không nên chỉ quy định tại cửa khẩu”, Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Mặt khác, Thông tư 20 không điều chỉnh xe đã qua sử dụng, cũng không điều chỉnh các loại xe từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhập khẩu theo đường quà biếu, quà tặng, tài sản di chuyển...
Bộ cho rằng đó là lý do trong thời gian qua đã xuất hiện tình trạng biến xe mới thành xe cũ hoặc đưa xe mới về nước theo đường quà biếu, quà tặng để "lách" Thông tư 20, tiếp tục coi thường người tiêu dùng nói riêng và an toàn của toàn xã hội nói chung.
Trước đó, thông tư này từng gây nhiều tranh cãi do có ý kiến cho rằng nó không phù hợp với tinh thần của pháp luật cạnh tranh, cũng như Luật Sở hữu trí tuệ.