Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ngân sách có thể thất thu nếu bãi bỏ thông tư 20

Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) cho rằng, quan điểm nêu việc bãi bỏ thông tư 20 sẽ dẫn đến lượng nhập khẩu ôtô tăng, làm tăng thu ngân sách là hoàn toàn chưa đúng.

Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Tài chính) vừa có văn bản đưa ra quan điểm, đánh giá của mình về các khó khăn vướng mắc của Thông tư 20/2011/TT-BTC (Quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu ôtô chở người loại từ 9 chỗ ngồi trở xuống).

Vụ này cho rằng, một số quan điểm nêu việc bãi bỏ thông tư sẽ dẫn đến lượng nhập khẩu ôtô tăng, làm tăng thu ngân sách là hoàn toàn chưa đúng. Thậm chí, lượng xe nhập khẩu tăng sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lắp rắp ôtô trong nước, dẫn đến ảnh hưởng nguồn thu thuế nội địa và ảnh hưởng đến việc làm, phúc lợi xã hội.

Xét về góc độ cạnh tranh bình đẳng thì thông tư 20 có phần làm hạn chế khả năng thương mại của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tuy nhiên theo Vụ Hợp tác quốc tế, ảnh hưởng đó cũng chỉ dừng lại ở khía cạnh về thương mại, còn vấn đề đảm bảo chất lượng sản phẩm và các dịch vụ đi kèm vẫn cần phải cân nhắc có những đánh giá cụ thể hơn. Còn nếu xét về góc độ người tiêu dùng, thông tư có phần hạn chế quyền được lựa chọn các sản phẩm khác nhau ở các mức giá khác nhau.

thong tu 20 anh 1
Theo Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), lượng xe nhập khẩu tăng sẽ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất lắp rắp ôtô trong nước, dẫn đến ảnh hưởng nguồn thu thuế nội địa và ảnh hưởng đến việc làm, phúc lợi xã hội. Ảnh minh họa.

 

Về nội dung đề xuất kiến nghị Thủ tướng bãi bỏ thông tư, theo Vụ Hợp tác quốc tế, trách nhiệm và thẩm quyền thuộc Bộ Công thương (phải tổng hợp tất cả khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi tổng hợp, giải trình và báo cáo Thủ tướng).

Bên cạnh đó, Vụ này đề nghị Bộ Công thương nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới trong việc xây dựng các quy định về quản lý chuyên ngành đối với mặt hàng ôtô. Trong bối cảnh hiện nay với xu thế loại bỏ hàng rào thuế quan của các FTA thì cần xây dựng các quy định tập trung vào hàng rào tiêu chuẩn kỹ thuật hơn là hạn chế thương mại để đảm bảo quyền lợi và lợi ích người tiêu dùng cũng như góp phần đẩy mạnh đầu tư nước ngoài vào những lĩnh vực sản xuất còn non trẻ của Việt Nam. Đặc biệt, Bộ càng cần có công cụ hiệu quả để bảo vệ nền sản xuất trong nước trong giai đoạn khó khăn này.

Chủ tịch VCCI đề nghị bãi bỏ thông tư 20 về nhập ôtô

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đề nghị Thủ tướng bãi bỏ Thông tư 20 về điều kiện kinh doanh nhập khẩu ôtô do “không cần thiết”.

Trước đó, các liên doanh sản xuất, lắp ráp ôtô tại Việt Nam muốn giữ lại Thông tư 20 vì cho rằng nếu bãi bỏ sẽ ảnh hưởng nhập siêu, trốn thuế, chất lượng xe cũng như làm cho xe ôtô giá rẻ ASEAN tràn ngập thị trường... Còn doanh nghiệp nhập khẩu ôtô không chính hãng mong muốn sớm bãi bỏ, thậm chí còn căng băng rôn trước cổng Bộ Công Thương “kêu cứu” lên Thủ tướng. Bởi lẽ, từ khi có thông tư, hơn 200 doanh nghiệp đã bị loại khỏi cuộc chơi do không thể có được giấy ủy quyền chính hãng từ những đại gia ôtô ngoại.

Cách đây ít lâu, Tổng cục Hải quan cũng lúng túng khi không biết kể từ sau ngày 1/7/2016, Thông tư 20 quy định việc nhập khẩu ôtô phải có giấy ủy quyền chính hãng còn hiệu lực hay không? Vì thế, cơ quan này đã phải có công văn gửi Bộ Công Thương để chờ câu trả lời.

Theo Bộ Công Thương, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan đang có ý kiến khác nhau trong việc xác định các quy định nêu tại Thông tư 20 là thủ tục hành chính hay điều kiện đầu tư kinh doanh để giữ lại hay bãi bỏ. Quyết định cuối cùng vẫn phải chờ Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng.

Giới nhập khẩu xe hồi hộp chờ phán quyết Thông tư 20

Thông tư 20 sẽ bị gỡ bỏ theo mong muốn của các đơn vị nhập khẩu xe tư nhân, hay sẽ được nâng lên thành Nghị định như kiến nghị của các nhà nhập khẩu chính hãng?


Xuân Ngọc

Bạn có thể quan tâm