Trao đổi với Zing.vn, đại diện Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định nguồn cung hàng hóa thiết yếu đảm bảo phục vụ người dân. Đồng thời, khuyến cáo người dân không nên hoang mang lo lắng, tích trữ vượt quá nhu cầu tiêu dùng.
Trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bộ Công Thương đã yêu cầu tất cả tỉnh, thành trên cả nước xây dựng kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 theo 5 cấp độ. Bộ cũng yêu cầu các doanh nghiệp phân phối chủ động, sẵn sàng tham gia cung ứng hàng hóa.
Bộ khẳng định, trong thời gian "cách ly toàn xã hội", siêu thị vẫn hoạt động, xe vận chuyển hàng hoá của các doanh nghiệp vẫn được lưu thông, hoạt động bình thường.
Khi các địa bàn cần điều phối hàng hóa, xe vận tải này sẽ đến các kho hàng gần nhất để lấy và cung ứng cho địa bàn cách ly. Trường hợp chỉ còn xe của lực lượng vũ trang hoạt động, Bộ Công Thương sẽ đề nghị quân đội, công an phối hợp điều phối xe vận chuyển mặt hàng thiết yếu từ các kho dự trữ.
Một ngày trước thời điểm “cách ly toàn xã hội”, các doanh nghiệp phân phối, siêu thị cũng phát đi thông báo khẳng định nguồn dự trữ hàng hóa dồi dào, bổ sung liên tục trong ngày. Bên cạnh đó, khuyến cáo người dân bình tĩnh, hạn chế mua hàng tích trữ.
Các siêu thị cam kết đủ hàng, khuyến cáo người dân hạn chế tích trữ vượt quá nhu cầu tiêu dùng. Ảnh minh họa. |
Đại diện Masan cho biết đã xây dựng kịch bản ứng phó với dịch Covid-19 tại hệ thống chuỗi bán lẻ Vinmart và Vinmart+. Tập đoàn này khẳng định có thể thông suốt vận chuyển hàng hóa trong bối cảnh thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày, kể từ 1/4.
Cụ thể, tăng công suất tối đa tại các nhà máy sản xuất, chế biến mỳ tôm, thịt lợn, nước tương, nước mắm và các sản phẩm chế biến từ thịt; giao Vincommerce (chủ chuỗi Vinmart và Vinmart+) kết hợp với Tổng công ty Lương thực miền Bắc đảm bảo cung cấp đầy đủ gạo.
Ngoài ra, làm việc với các nhà phân phối, đảm bảo cung ứng đầy đủ sản phẩm tiêu dùng thiết yếu cho người dân như sữa, đường, muối, mỳ tôm, thịt… Từ ngày 1/4, đẩy mạnh hơn nữa kênh bán hàng online và giao hàng tại nhà.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết hệ thống phân phối đã dự trữ lượng hàng dồi dào, bao gồm gạo, mỳ tôm, đồ hộp, nước đóng chai, trứng, thịt, giấy vệ sinh…
“Người dân có thể ăn 3-6 tháng cũng không hết. Mọi người có thể yên tâm, không cần tích trữ hàng hóa”, đại diện Saigon Co.op nói.
Đơn vị này thông tin đã dự trữ 11 nhóm sản phẩm thiết yếu từ đầu tháng 2, do đó không sợ thiếu hàng. Về giá bán, Saigon Co.op cam kết không tăng giá với phần lớn sản phẩm, tổ chức các chương trình giảm giá. Bên cạnh đó, từ 1/4, hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra triển khai kẻ vạch, dán ký hiệu khoảng cách xếp hàng 2 m, đảm bảo an toàn cho khách hàng.
Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại MM Mega Market, cho biết siêu thị này đã tăng 40% lượng hàng hóa so với kế hoạch để phục vụ người dân. Tổng giá trị hàng hóa ước tính hơn 1.300 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt, rau củ quả, hải sản, thực phẩm khô.
Tại MM Mega Market, rau quả Đà Lạt, bí đỏ, bắp cải, táo, khoai lang, cà chua, nạc heo, bò xay... là những thực phẩm được khách hàng mua nhiều, đồng thời đang được giảm giá. Siêu thị này cũng triển khai bán hàng qua điện thoại và email.
Ngày 31/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.
Thủ tướng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.
Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi giao tiếp; không tập trung quá 2 người nơi công cộng.