Sáng 30/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có báo cáo về tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi và các biện pháp bảo đảm nguồn cung thịt lợn.
Theo đó, tính đến ngày 27/3, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 39.191 tấn thịt lợn, tăng 312% so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, nhập khẩu từ Canada 25,81%, Đức 20,59%, Ba Lan 13,77%, Brazil 9,68%, Mỹ 7,65% và Liên bang Nga 2,62%.
Thịt lợn bắt đầu "neo" ở mức cao từ tháng 8/2019. Ảnh: Hoàng Hà. |
Về nhập khẩu thịt lợn từ Liên bang Nga và Công ty Miratorg, Cục Thú y thông tin Việt Nam đã nhập 1.026 tấn (13 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu).
Tập đoàn Miratorg cho biết từ ngày 28/1 đến nay, đơn vị này đã làm thủ tục xuất khẩu trên 3.465 tấn thịt lợn thông qua 15 doanh nghiệp của Việt Nam. Các lô hàng về đến các cảng vào ngày 18/3 và đã bắt đầu cung cấp ra thị trường.
Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các cơ quan trực thuộc khẩn trương hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm nguồn hàng hợp lý tại các nước xuất khẩu.
Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có chính sách giảm thuế nhập khẩu thịt lợn; trong đó chính sách giảm, miễn thuế cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ.
Đối với giá thịt lợn, Bộ NN&PTNT cho biết các doanh nghiệp chăn nuôi lớn như C.P Việt Nam, Dabaco, Mavin, Masan, GreenFeed,… đã phối hợp, đồng hành cùng Chính phủ và bán thịt lợn hơi 73.000-76.000 đồng/kg. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp chưa thực hiện giảm giá bán lợn thịt.
Cơ quan nông nghiệp đề nghị từ 1/4, các doanh nghiệp chăn nuôi lớn giảm giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, tiến tới giá thấp hơn, ở mức phù hợp khi sản lượng lợn đạt mức cao như trước khi xảy ra dịch vào những quý cuối năm 2019.
Tại Hội nghị do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì họp với các doanh nghiệp chăn nuôi lợn sáng nay, 15/15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn tham dự đã cam kết đưa giá thịt lợn hơi xuống 70.000 đồng/kg từ 1/4.
Đến nay, cả nước có 99% số xã có dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày, trong đó có 41 tỉnh, thành phố đã hết dịch. Còn lại 106 xã (chiếm 1% tổng số xã có dịch) của 22 tỉnh, thành phố chưa qua 30 ngày.