Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương phạt tiền nhưng chưa rút giấy phép 5 đầu mối xăng

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, để đảm bảo cân đối nguồn cung xăng dầu, cơ quan quản lý chưa thi hành ngay quyết định rút giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu của 5 đầu mối.

Chiều 6/9, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo thường kỳ tháng 8. Buổi họp báo diễn ra sau phiên họp Chính phủ diễn ra vào sáng cùng ngày.

Trả lời câu hỏi về việc thanh tra Bộ Công Thương vừa tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu thêm 5 doanh nghiệp đầu mối lớn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đây là hành động kiên quyết xử lý hành vi vi phạm của doanh nghiệp đầu mối cũng như hệ thống của họ.

"Trên cơ sở các biên bản vi phạm hành chính, giải trình của các đơn vị, ngày 31/8, chánh thanh tra Bộ Công Thương đã ban hành 8 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 11 thương nhân đầu mối và công ty con với số tiền hơn 13 tỷ đồng", ông nói.

Ngoài hình thức xử phạt hành chính, lãnh đạo Bộ cho biết cũng có 5 quyết định xử phạt bổ sung tước quyền kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu trong một tháng với 5 thương nhân đầu mối. "Quyết định tước quyền kinh doanh, nhập khẩu xăng dầu chủ yếu do doanh nghiệp không đáp ứng được điều kiện của hệ thống phân phối theo quy định", ông nói.

Theo người phát ngôn Bộ Công Thương, khi 5 doanh nghiệp nếu bị tước sẽ không còn quyền thực hiện mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu và bán xăng dầu cho các đơn vị phân phối...

"Tuy nhiên, trước mắt Bộ sẽ áp dụng hình thức xử phạt hành chính. Với hình thức tước giấy phép kinh doanh sẽ áp dụng vào một thời điểm phù hợp nhất", ông Hải nói.

Lãnh đạo Bộ cho rằng chúng ta phải xử lý nghiêm hành vi vi phạm, kể cả doanh nghiệp đầu mối nhưng cũng phải lưu ý đến khó khăn của các doanh nghiệp và quan trọng là đảm bảo nguồn cung cho các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu làm đầu vào sản xuất kinh doanh và nhu cầu của người dân.

Như vậy, đến thời điểm này, Bộ Công Thương chưa thi hành ngay quyết định rút giấy phép 5 đầu mối xăng dầu.

tuoc giay phep xang anh 1

Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM (Saigon Petro) là doanh nghiệp đầu mối chiếm thị phần lớn tại phía Nam vừa bị tước giấy phép kinh doanh. Ảnh: Duy Hiệu.

Ngày 31/8, chánh thanh tra Bộ Công Thương đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính và tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu đối với 5 doanh nghiệp đầu mối gồm: Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp, Công ty cổ phần xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty TNHH xăng dầu Hùng Hậu và Công ty cổ phần dầu khí Đông Phương.

Hiện, thanh tra Bộ đang tổng hợp xây dựng dự thảo Kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân kinh doanh xăng dầu để trình lãnh đạo Bộ và dự kiến việc trình dự thảo ngay trong tháng 9.

Như vậy, tính đến nay đã có khoảng 12 doanh nghiệp bị rút giấy phép kinh doanh có thời hạn sau đợt thanh tra 33 doanh nghiệp đầu mối của Bộ Công Thương. Hiện có 5 doanh nghiệp đã được trả giấy phép sau khi hết thời hạn xử phạt, 2 doanh nghiệp khác sẽ được hoàn trả giấy phép vào ngày 14/9.

Hiện, thông tin cụ thể về kết quả đợt thanh tra các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu vẫn chưa được cơ quan chức năng công bố cụ thể, chi tiết.

Theo nhiều thương nhân đầu mối, phân phối và bán lẻ xăng dầu, việc rút giấy phép kinh doanh sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước. Tuy nhiên, tại cuộc họp mới đây Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định việc rút giấy phép kinh doanh có thời hạn không ảnh hưởng tới thị trường xăng dầu, nguồn cung của cả nước.

Hệ lụy khi giá dầu diesel đắt hơn xăng

Các lĩnh vực từ trồng trọt, thực phẩm đến những ngành công nghiệp nặng đều phụ thuộc vào dầu diesel. Khi giá nhiên liệu này liên tục tăng cao, nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.

Bộ Công Thương thành lập khẩn 3 đoàn kiểm tra xăng dầu

Các đoàn sẽ thực hiện đợt kiểm tra ngay trong những ngày nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 đồng thời sẽ hoạt động liên tục đến hết năm và đến khi ổn định tình tình.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm