Ngày 6/4, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh có văn bản báo cáo Thủ tướng về việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.
Theo đó, căn cứ kết quả rà soát, tiếp nhận các ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo trong thời gian tới nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5.
Nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4, tháng 5 sẽ được Tổng cục Dự trữ Nhà nước mua vào 300.000 tấn gạo và giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong hai tháng là 700.000 tấn.
“Với số lượng giữ lại này, mỗi người dân sẽ được dự phòng thêm 7,3 kg gạo, một hộ gia đình 4 người sẽ được dự phòng thêm khoảng 30 kg gạo cho tháng 4 và tháng 5”, Bộ Công Thương cho biết.
Kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 là 43,5 triệu tấn thóc, trong khi dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước cả năm, đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn thóc. Ảnh: Việt Hùng. |
Lượng gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 và tháng 5 vào khoảng 800.000 tấn. Con số này giảm 40% so với lượng xuất khẩu tháng 4 và tháng 5 năm 2019, giảm 35,7% so với cùng giai đoạn năm 2018 và giảm 21,7% so với năm 2017.
Trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.
Về quản lý số lượng được phép xuất khẩu, Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý số lượng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 thông qua cộng dồn và trừ lùi số lượng theo tờ khai hải quan.
Để hỗ trợ cho phương án nêu trên, Đoàn kiểm tra liên ngành đề xuất thực hiện một số biện pháp hỗ trợ như Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao; chỉ cho xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế để Tổng cục Hải quan có thể theo dõi và phản ảnh theo thời gian thực.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra đề xuất 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Trường hợp không thực hiện thỏa thuận, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, Bộ Công Thương được quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu việc xuất khẩu gạo cần được xem xét kỹ lưỡng, thận trọng. Trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người nông dân và các tổ chức kinh doanh có liên quan.
Đồng thời, cần đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp để bảo đảm đủ nhu cầu lương thực trong nước và một phần phù hợp cho xuất khẩu.