Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng kết quả rà soát, đánh giá về tình hình sản xuất, tồn kho gạo trong nước, kiến nghị phương án xuất khẩu gạo trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn.
Việt Nam ước dư 6,5-6,7 triệu tấn gạo cho xuất khẩu
Theo đó, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc, trong khi Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) dự báo nhu cầu tiêu thụ trong nước cả năm, đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn thóc.
Như vậy, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương 6,5-6,7 triệu tấn gạo.
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) hiện có 92 hội viên chiếm khoảng 75% xuất khẩu của cả nước. Theo báo cáo của VFA, đến ngày 27/3, tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,6 triệu tấn gạo, trong đó phải giao từ nay đến 31/5 là gần 1,4 triệu tấn.
Lượng gạo hiện có trong kho của doanh nghiệp hội viên (60/92 hội viên) là 1,65 triệu tấn. Như vậy, nếu “không ký hợp đồng mới” theo chỉ đạo của Thủ tướng, doanh nghiệp hội viên của VFA dư khoảng 266.000 tấn gạo vào thời điểm 31/5.
Kế hoạch sản xuất lúa năm 2020 là 43,5 triệu tấn thóc. Ảnh: Việt Hùng. |
Tính cả doanh nghiệp ngoài hiệp hội có gửi báo cáo theo yêu cầu của Bộ Công Thương, tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng là gần 1,67 triệu tấn gạo. Lượng hiện có trong kho của doanh nghiệp là hơn 1,7 triệu tấn gạo và 144.000 tấn thóc (tương đương 75.000 tấn gạo).
Về kết quả rà soát, Bộ Công Thương đã tổng hợp các ý kiến của đại diện các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và 20 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, cho thấy số liệu cơ bản là đúng với thống kê của Bộ NN&PTNT.
Số liệu xuất khẩu do Tổng cục Hải quan cung cấp là chính xác. Cụ thể, tính đến ngày 15/3, xuất khẩu gạo đạt khoảng 1,3 triệu tấn. Nếu xuất khẩu vẫn giữ nguyên tốc độ như 15 ngày đầu tháng 3 thì quý I/2020 xuất khẩu khoảng 1,7 triệu tấn.
Đề xuất cho xuất khẩu gạo trở lại, nhưng phải kiểm soát chặt
Căn cứ kết quả rà soát, tiếp nhận các ý kiến, Bộ Công Thương đề xuất cho phép tiếp tục xuất khẩu gạo trong thời gian tới nhưng phải kiểm soát chặt số lượng xuất khẩu theo từng tháng, trước mắt là tháng 4 và tháng 5.
Nhu cầu an ninh lương thực trong tháng 4, tháng 5 sẽ được Tổng cục Dự trữ Nhà nước mua vào 300.000 tấn gạo và giữ lại thêm 400.000 tấn gạo để dự phòng. Như vậy, lượng gạo xuất khẩu giữ lại cho nhu cầu trong nước trong hai tháng là 700.000 tấn.
Đối với xuất khẩu, lượng gạo xuất khẩu dự kiến trong tháng 4 và tháng 5 vào khoảng 800.000 tấn. Trước mắt trong tháng 4 cho phép xuất khẩu 400.000 tấn. Vào tuần cuối cùng tháng 4, căn cứ diễn biến dịch bệnh và báo cáo của các Bộ, ngành, Thủ tướng sẽ xem xét, quyết định phương hướng điều hành xuất khẩu gạo tháng 5.
Về quản lý số lượng được phép xuất khẩu, Tổng cục Hải quan chịu trách nhiệm quản lý số lượng 400.000 tấn gạo được phép xuất khẩu trong tháng 4 thông qua cộng dồn và trừ lùi số lượng theo tờ khai hải quan.
Bộ Công Thương đề xuất xuất khẩu 400.000 tấn gạo trong tháng 4, sau đó căn cứ để điều hành xuất khẩu gạo trong tháng 5. Ảnh: Việt Hùng. |
Để hỗ trợ cho phương án nêu trên, Đoàn kiểm tra liên ngành đề xuất thực hiện một số biện pháp hỗ trợ như Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Dự trữ Nhà nước khẩn trương mua đủ số lượng lương thực dự trữ theo kế hoạch được giao; chỉ cho xuất khẩu gạo qua cửa khẩu quốc tế để Tổng cục Hải quan có thể theo dõi và phản ảnh theo thời gian thực.
Ngoài ra, Đoàn kiểm tra đề xuất 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn nhất phải ký thỏa thuận với ít nhất 1 hệ thống siêu thị về bảo đảm cung cấp lượng dự trữ lưu thông 5% khi được yêu cầu.
Trường hợp không thực hiện thỏa thuận, đã được nhắc nhở nhưng không khắc phục, Bộ Công Thương được quyền thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo đã cấp.
Trước đó, ngày 24/3, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng các loại gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0h ngày 24/3. Đồng thời, giải quyết thủ tục thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu đã đăng ký tờ khai hải quan trước thời điểm trên.
Đến chiều cùng ngày, Bộ Công Thương đã có công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị tiếp tục thực hiện xuất khẩu gạo.
Thủ tướng sau đó yêu cầu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để đánh giá lại sản lượng gạo thực tế và báo cáo trước 28/3. Trong khi chờ báo cáo, tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo mới.