Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Tối 10/10, Bộ Công Thương có báo cáo về tình hình xăng dầu trên cả nước. Theo đó, cơ quan này khẳng định hiện tượng một số doanh nghiệp kinh doanh bán lẻ xăng dầu xin đóng cửa hoặc tạm ngừng kinh doanh tập trung tại TP.HCM, An Giang, Bình Phước, Đắk Lắk... không phải phổ biến.
"Có hơn 100 cửa hàng đóng cửa trong tổng số 17.000 cửa hàng đang hoạt động", cơ quan này dẫn chứng.
Hơn 200 cửa hàng hết xăng tại 7 tỉnh
Về tình hình xử lý tại một số địa phương có hiện tượng thiếu xăng dầu cục bộ, Bộ cho biết đến 17h chiều ngày 10/10, trên địa bàn TP.HCM có 3/550 cửa hàng đóng cửa (chiếm 0,54%), có 121/550 cửa hàng tạm hết mặt hàng xăng (chiếm 20%).
"Đồng thời, có một số doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu quy mô lớn gặp khó khăn trong việc bảo đảm nguồn cung và đã được Bộ Công Thương chỉ đạo, hỗ trợ giải quyết khó khăn", cơ quan quản lý cho biết.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Cần Giờ đã nhận 350 m3 xăng từ Công ty cổ phần thương mại đầu tư dầu khí Nam Sông Hậu trong ngày 8/10; Công ty Cổ phần vật tư Xăng dầu Comeco đã nhận 100-110 m3 xăng từ PV Oil để đảm bảo hoạt động kinh doanh; theo kế hoạch trong sáng ngày 10/10, công ty sẽ nhận hàng thêm khoảng 50 m3 xăng và 100 m3 dầu từ Saigon Petro. Đồng thời, sẽ nhập thêm 500 m3 xăng, 500 m3 dầu từ PV Oil (nếu đơn hàng được phê duyệt)...
"Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, Sở Công Thương TP.HCM đã làm việc cụ thể với từng thương nhân đầu mối cung ứng xăng dầu (Petrolimex, Saigon Petro, Tây Nam...) đề nghị có phương án bổ sung nguồn cung cho thị trường", Bộ cho biết.
Tại tỉnh Bình Phước, đến ngày 10/10, địa bàn tỉnh có 27/415 cửa hàng bán lẻ xăng dầu dừng hoạt động (chiếm 6,5%), 23 cửa hàng hết xăng còn dầu, 2 cửa hàng hết dầu còn xăng (tương ứng chiếm 5% và 0,48%).
Người dân ùn ùn đi đổ xăng trong đêm 9/10. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bộ Công Thương cho biết đã chỉ đạo các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối nỗ lực đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn. Các công ty đầu mối như PV Oil, Thanh Lễ, Petrolimex và thương nhân phân phối đã cam kết sẽ ưu tiên cấp hàng cho địa bàn tỉnh Bình Phước.
Tại An Giang, theo báo cáo có 30/559 cửa hàng vẫn mở cửa bán hàng nhưng không có xăng để bán (chiếm 5%). Nguyên nhân do giao thông đi lại khó khăn nên các thương nhân kinh doanh xăng dầu cung cấp hàng chậm hoặc do chiết khấu thấp nên các đại lý ngừng lấy hàng.
Tại tỉnh Hậu Giang, trên địa bàn tỉnh có 21/211 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng, dầu (chiếm 9%); 7 cửa hàng bán lẻ xăng dầu hết xăng, còn dầu (chiếm 3%) và có một số thương nhân đang gặp khó khăn do không mua được hàng từ các đầu mối xăng dầu để cung cấp cho hệ thống.
Tại tỉnh Đắk Lắk, theo báo cáo cập nhật, trên địa bàn tỉnh có 9/475 cửa hàng tạm dừng hoạt động do hết xăng, dầu (chiếm 1%); 15 cửa hàng vẫn hoạt động nhưng hết xăng hoặc dầu.
Tồn kho vẫn đủ cung ứng
Trước tình hình trên, Bộ Công Thương cho biết đã đề nghị các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu trên nỗ lực tìm nguồn hàng để cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng, đại lý bán lẻ trên địa bàn các tỉnh.
Bộ Công Thương cho biết theo báo cáo của các doanh nghiệp đầu mối, lượng tồn kho của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn vẫn đang được duy trì và bảo đảm cung ứng đủ nguồn hàng trong hệ thống.
Đơn cử: Petrolimex tồn kho đến ngày 8/10 là khoảng 489.000 m3 (gồm 208.000 m3 xăng và 280.000 m3 dầu); PV Oil còn khoảng 230.000 m3; Công ty xăng dầu Quân đội còn khoảng 19.000 m3; Saigon Petro còn khoảng 11.000 m3; Petimex Đồng Tháp còn khoảng 45.000 m3; Thanh Lễ còn khoảng 60.000 m3...
LƯỢNG TỒN KHO XĂNG DẦU TẠI MỘT SỐ DOANH NGHIỆP ĐẦU MỐI ĐẾN 8/10 | |||||||
Nhãn | Petrolimex | PV Oil | Mipec | Saigon Petro | Petimex | Thalexim | |
Lượng tồn kho | triệu m3 | 489000 | 230000 | 19000 | 11000 | 45000 | 60000 |
"Qua trao đổi, các doanh nghiệp cam kết vẫn đang tiếp tục nỗ lực nhập hàng để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng thuộc hệ thống phân phối của mình.", Bộ cho biết.
Cơ quan quản lý đánh giá mặc dù có sự thiếu hụt xăng dầu cục bộ tại một số cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của một số thương nhân đầu mối bị gián đoạn hoạt động kinh doanh thời gian qua nhưng tồn kho xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu tiêu dùng xăng dầu trong nước.
Đồng thời, Bộ khẳng định nguồn cung xăng dầu của các doanh nghiệp vẫn liên tục được bổ sung từ nguồn nhập khẩu và mua trong nước.