Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc vừa có chia sẻ với báo chí liên quan tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ diễn ra tại một số tỉnh, thành phía Nam.
Trong đó, người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo nghị định của Chính phủ giao thì cơ quan quản lý Nhà nước về xăng dầu là Bộ Công Thương. Trong khi đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm trong việc ban hành chi phí định mức đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu và tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội các khoản thuế phí đối với xăng dầu.
Trách nhiệm thuộc về Bộ Công Thương
“Công tác quản lý doanh nghiệp đầu mối, doanh nghiệp phân phối và doanh nghiệp bán lẻ thuộc về trách nhiệm của Bộ Công Thương. Do đó việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu, đảm bảo các chi phí trung gian, tiết giảm chi phí quản trị doanh nghiệp xăng dầu thuộc trách nhiệm của Bộ Công thương và các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.
Về trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ trưởng Phớc cho biết Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu 3.000 đồng/lít, tương đương mức sàn tối thiểu.
“Chúng tôi đã tham mưu Chính phủ giảm thuế nhập khẩu từ 20% xuống còn 10%, trình Chính phủ trình Quốc hội trong điều kiện giá xăng dầu tăng cao thì tiếp tục giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt và 50% thuế giá trị gia tăng”, lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Về chi phí định mức đối với kinh doanh xăng dầu, hiện nay quy định đối với 1 lít xăng A92 là 975 đồng. Sau khi có đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành, doanh nghiệp và thống nhất tăng thêm 350 đồng. Như vậy, hiện 1 lít xăng A92 có chi phí định mức là 1.320 đồng.
Nhiều địa phương phía Nam đang rơi vào tình trạng khan hiếm xăng dầu cục bộ. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Bộ trưởng Phớc khẳng định Bộ Tài chính luôn ủng hộ việc tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp phân phối và bán lẻ đảm bảo nguồn xăng dầu phục vụ cho người dân và đảm bảo giá xăng dầu hạ để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống cho người dân.
Người đứng đầu cơ quan quản lý tài khoán cũng nhấn mạnh hiện nay, vấn đề làm thế nào để đảm bảo nguồn cung xăng dầu, làm thế nào để quản lý tốt các doanh nghiệp đầu mối là rất quan trọng.
“Nước ta hiện nay có đến 36 doanh nghiệp đầu mối, trong khi các quốc gia lớn như Nhật Bản cũng chỉ có 5 doanh nghiệp đầu mối. Hay như doanh nghiệp phân phối cũng có đến hàng trăm đơn vị. Vậy làm thế nào để xây dựng bộ máy một cách linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến các cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.
Theo ông Phớc, đây là vấn đề đặt ra và Bộ Tài chính đã trao đổi, phối hợp với Bộ Công Thương để tăng cường công tác quản lý.
Làm rõ lý do khan hiếm xăng dầu
Ngày 7/10 trước đó, Bộ Tài chính cũng đã có văn bản trả lời Bộ Công Thương về việc tăng chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu.
Trong đó, Bộ Tài chính cho biết hiện nay Nhà nước không quy định chiết khấu trong hoạt động kinh doanh xăng dầu vì yếu tố này chủ yếu phụ thuộc vào cung cầu thị trường, diễn biến giá xăng dầu thế giới, sản lượng tồn kho xăng dầu của các thương nhân đầu mối và phương thức bán hàng của hai bên.
Trường hợp giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm có thể tác động làm giảm giá xăng dầu trong nước, nếu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có sản lượng tồn kho lớn thì các thương nhân đầu mối có thể tăng chiết khấu để bán hàng và ngược lại.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng Bộ Công Thương cần làm rõ các nguyên nhân dẫn tới tình trạng khan hiếm xăng dầu. Ảnh: VGP. |
Ngoài ra, chiết khấu xăng dầu có thể còn phụ thuộc vào chính sách bán hàng và năng lực kinh doanh của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu mà đại lý, tổng đại lý ký hợp đồng trực tiếp.
Theo Bộ Tài chính, nhận định của Bộ Công Thương cho rằng việc chưa điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước về đến cảng dẫn đến việc phân bổ mức chiết khấu trong hệ thống kinh doanh bị hạn chế, nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu không có chiết khấu để bảo đảm bù đắp chi phí và duy trì hoạt động kinh doanh, bảo đảm cung ứng xăng dầu liên tục cho thị trường là chưa đủ cơ sở và chưa đúng với diễn biến thực tế thị trường hiện nay.
Vì vậy, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công Thương đánh giá làm rõ nguyên nhân khó khăn về nguồn hàng, đồng thời rà soát, đánh giá hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, hệ thống trung gian để có giải pháp phù hợp và tiết kiệm chi phí.
Trong đó, Bộ Tài chính kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đảm bảo nguồn cung trong nước trong mọi tình huống. Đồng thời, nghiên cứu phương án giảm trích lập và kết hợp sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu (nếu cần thiết) để việc điều chỉnh premium trong nước và chi phí đưa xăng dầu từ nhà máy lọc dầu về đến cảng không tác động đến giá cơ sở xăng dầu kỳ điều hành.