Nhiều cây xăng ở Hà Nội hết hàng trong ngày 5/11. Ảnh: Duy Anh. |
Bộ Công Thương vừa có công văn gửi tới Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia, các Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bình Sơn và UBND các tỉnh, thành phố đề nghị tăng cường các biện pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu cho thị trường.
Công văn được ban hành trong bối cảnh, tình trạng thiếu xăng dầu không chỉ dừng lại ở TP.HCM và các tỉnh phía Nam mà đã lan rộng tới nhiều quận, huyện ở Hà Nội. Trong 3-4 ngày qua, nhiều cây xăng ở Hà Nội đã tạm ngưng bán hàng hoặc chỉ bán cầm chừng, giới hạn 30.000 đồng/xe máy, 500.000-600.000 đồng/ôtô và xuất hiện nhiều điểm bán xăng tự phát giá cao gây bức xúc cho người dân.
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Công an, chính quyền các địa phương có phương án phân luồng, tạo điều kiện để các phương tiện vận chuyển xăng dầu được lưu thông, tiếp cận, cung ứng nguồn hàng kịp thời cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm.
Cơ quan quản lý cũng đề nghị 2 nhà máy lọc hóa dầu duy trì hoạt động sản xuất ổn định của nhà máy lọc dầu, tăng công suất ở mức tối đa có thể; có biện pháp hỗ trợ việc giao hàng nhanh cho doanh nghiệp đã đặt mua hàng theo các hợp đồng đã ký, hỗ trợ cung ứng cho các thương nhân đầu mối (kể cả các thương nhân đầu mối không ký kết hợp đồng dài hạn với nhà máy); điều chỉnh cơ cấu sản xuất cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng lượng sản xuất mặt hàng xăng.
Nhà máy lọc hóa dầu Dung Quất đã tăng công suất lên mức kỷ lục từ 4/11. Ảnh: BSR. |
Liên quan đến vấn đề chiết khấu, định mức lợi nhuận, Bộ cho biết chiều ngày 4/11, Bộ Tài chính đã chính thức có dự kiến phương án điều chỉnh chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam để lấy ý kiến của Bộ Công Thương.
Và cũng ngay trong chiều 4/11, Bộ đã có ý kiến đồng thuận với Bộ Tài chính. Như vậy, nếu không có gì thay đổi lớn thì trong kỳ điều hành ngày 11/11 thì những chi phí phát sinh sẽ được cập nhật để kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ cũng đã có văn bản đề nghị chính quyền các địa phương tăng cường quản lý nhà nước theo thẩm quyền và phối hợp với Bộ Công Thương cũng như các bộ, ngành để giải quyết một cách khẩn trương, hiệu quả.
"Với sự vào cuộc kịp thời của các bộ, ngành, địa phương, những khó khăn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua sẽ cơ bản được giải quyết trong thời gian sớm nhất", Bộ Công Thương nhìn nhận.
Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế