Bộ Công Thương đánh giá nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng trong nước hiện tăng mạnh. Trong khi đó, một số nhà máy lọc dầu trong và ngoài nước đang cắt giảm công suất hoặc tận dụng thời gian dịch bệnh để bảo dưỡng nên nguồn cung xăng dầu thành phẩm sụt giảm.
Do đó, Bộ yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với sở công thương các tỉnh, TP tăng cường kiểm tra, kiểm soát hành vi buôn lậu, gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá, kinh doanh hàng kém chất lượng và buôn lậu.
Đồng thời, Vụ Thị trường trong nước chỉ đạo thương nhân đầu mối có phương án bảo đảm nguồn hàng, tuân thủ quy định về dự trữ lưu thông và thực hiện trách nhiệm cung ứng cho thị trường, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu.
Vụ Thị trường trong nước theo dõi sát thị trường và diễn biến giá trong nước và thế giới để tham mưu điều hành giá xăng dầu phù hợp, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Một cây xăng ở quận Hà Đông (Hà Nội) vừa mở bán xăng trở lại chỉ vài giờ đã thông báo hết hàng. Ảnh: Văn Hưng. |
Bên cạnh đó, Cục Xuất nhập khẩu rà soát các thị trường nhập khẩu để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn hàng xăng dầu chất lượng tốt với giá hợp lý, đồng thời điều chỉnh hạn mức nhập khẩu tối thiểu và tiến độ nhập khẩu của doanh nghiệp cho phù hợp với nhu cầu và diễn biến thị trường hiện nay.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Vụ Dầu khí và than chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước đảm bảo hoạt động sản xuất ổn định, cung ứng đủ số lượng, chủng loại xăng dầu theo kế hoạch sản xuất đã được phê duyệt. Các đơn vị đang bảo dưỡng sớm vận hành trở lại để cung cấp đủ lượng hàng theo tiến độ đã ký kết với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.
Ngày 28/5, liên Bộ Tài chính - Công Thương sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần. Theo dự báo, giá xăng E5 RON 92 có khả năng tăng 1.300 đồng/lít, trong khi xăng RON 95 tăng 1.500 đồng/lít.
Trước kỳ điều chỉnh này, nhiều cây xăng tại Hà Nội thông báo chỉ bán số lượng giới hạn, không bán mua mang về, thậm chí dừng hoạt động vì gặp sự cố. Tình trạng này diễn ra do nhiều doanh nghiệp đầu mối có dấu hiệu găm hàng chờ tăng giá, theo đánh giá của lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.HCM.
Trước đó, các nhà phân phối bán lẻ cắt giảm lượng bán ra cho đại lý, đồng thời giảm chiết khấu từ 1.000-1.200 đồng/lít xuống dưới 300 đồng/lít. Tức là sau khi trừ tất cả chi phí, đại lý xăng dầu phải chịu lỗ với mỗi lít xăng bán ra.
Cũng do lỗ lớn, một số doanh nghiệp đầu mối hiện tạm ngừng nhập khẩu. Lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tại TP.HCM cho rằng có trường hợp nhà phân phối còn xăng cũ, nhưng chờ giá tăng mới bán để bù lỗ lúc xăng giảm giá.