Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương chỉ đạo làm rõ xăng giảm nhưng giá hàng hóa vẫn cao

Bộ Công Thương yêu cầu cơ quan quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân lợi dụng biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa để thu lời bất chính.

Ngày 29/7, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên có công điện yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội.

Theo đó, người đứng đầu ngành Công Thương cho biết trong giai đoạn hiện nay, mặc dù giá xăng dầu đã giảm nhưng giá cả của nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân vẫn ở mức cao. "Điều này gây ảnh hưởng đến cung cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của người dân", ông Diên nhìn nhận.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chỉ đạo tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, tham gia công tác bình ổn giá.

"Đồng thời, phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do dịch bệnh hoặc diễn biến bất thường khác để thu lời bất chính", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo.

Ngoài ra, ông cũng yêu cầu cơ quan này kịp thời tổng hợp, báo cáo về biến động của thị trường hàng hoá thiết yếu, đặc biệt là mặt hàng lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế. Qua đó có những đề xuất cụ thể về kiểm soát và bình ổn giá.

DIỄN BIẾN GIÁ XĂNG TỪ ĐẦU NĂM ĐẾN NAY

Nhãn 11/1 21/1 11/2 21/2 1/3 11/3 21/3 1/4 12/4 21/4 4/5 11/5 23/5 1/6 13/6 21/6 1/7 11/7 21/7
E5 RON 92 đồng/lít 23159 23595 24571 25530 26070 28985 28300 27300 26470 27130 27460 28950 29630 30230 31110 31300 30890 27780 25070
RON 95
23876 24360 25322 26280 26834 29820 29192 28150 27131 27990 28430 29980 30650 31570 32370 32870 32760 29670 26070

Người đứng đầu cơ quan này cũng giao Cục QLTT các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo công tác quản lý theo địa bàn, thu thập, thẩm tra, xác minh thông tin, giám sát phát hiện kịp thời các diễn biến bất thường của hàng hoá.

"Đặc biệt, cần tuyên truyền, vận động các tổ chức cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhận thức đúng và tích cực tham gia chương trình bình ổn giá, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng và trang thiết bị y tế phục vụ phòng chống dịch", Bộ trưởng Công Thương yêu cầu.

Từ đầu tháng đến nay, giá xăng trong nước đã giảm gần 7.000 đồng/lít, xuống quanh mức 25.000-26.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào tháng 2.

Mặc dù giá xăng đã 2 lần liên tiếp giảm sâu tới gần 7.000 đồng/lít nhưng giá hàng hóa vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, ngược lại các mặt hàng tươi sống như rau củ, thịt cá lại có xu hướng tăng.

Theo ghi nhận của Zing, hiện giá hàng hóa tại các siêu thị vẫn giữ nguyên mức đã thay đổi tăng trước đó. Còn tại các chợ, một số mặt hàng đồ khô, gia vị đứng yên, số khác như rau, thịt rục rịch tăng giá.

Ngày 26/7, giá bán lẻ thịt lợn đã tăng thêm 5.000-10.000 đồng/kg so với đầu tháng do giá heo hơi tăng cao. Hiện giá mặt hàng này ở mức 100.000-180.000 đồng/kg, tùy loại thịt.

Còn rau xanh vẫn biến động nhẹ theo ngày, mỗi kg rau xà lách dao động 50.000-60.000 đồng; cải ngọt 15.000-20.000 đồng/kg, bắp cải 20.000-25.000 đồng/kg, cà chua 30.000 đồng/kg...

Trong cuộc họp sáng 28/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, cơ quan chức năng rà soát, có chính sách, giải pháp phù hợp để giảm giá các hàng hóa, dịch vụ liên quan, góp phần giảm sức ép lạm phát trong bối cảnh giá xăng, dầu đã giảm.

Giá xăng dầu kỳ tới có thể giảm tiếp

Giá xăng dầu trong nước ngày 1/8 dự kiến tiếp tục giảm theo xu hướng của giá dầu thô thế giới. Song, doanh nghiệp cho rằng mức giảm sẽ không mạnh như 2 kỳ điều hành trước.

Doanh nghiệp xăng dầu lãi đậm

Do giá xăng dầu thế giới và trong nước tăng lên mức kỷ lục trong quý II nên nhiều nhà sản xuất và phân phối mặt hàng này ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan.

Thanh Thương

Bạn có thể quan tâm