Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc thỏa thuận giá điện với nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.
Theo đó, cơ quan này yêu cầu, EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư trên, để thống nhất giá điện trước ngày 31/3 nhằm sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 84 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 4.676 MW đã bị chậm tiến độ vận hành thương mại. Điều này khiến cho các dự án không kịp hưởng giá điện cố định (FIT). Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 điện mặt trời) tổng công suất gần 2.091 MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm.
Trong văn bản gửi Thủ tướng, các nhà đầu tư điện tái tạo cho rằng nếu cơ chế mới được áp dụng, chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng được tài trợ từ nguồn vốn ngân hàng, sẽ có nguy cơ vỡ phương án tài chính, nợ xấu, doanh nghiệp và ngân hàng khó thu hồi vốn.
Trong buổi làm việc mới đây với EVN, các nhà đầu tư đề nghị EVN huy động điện với giá tạm tính giá 6,2 cent/kWh. Sau này khi có giá chính thức có thể áp dụng nguyên tắc hồi tố, tức thiếu EVN bổ sung, còn thừa chủ đầu tư trả lại.
Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết hiện nay, khung giá điện đã có, phương pháp xác định giá điện cũng đã được đặt ra và chỉ chờ Bộ Công Thương thông qua. Trên cơ sở đó, ông đề nghị các chủ đầu tư nhanh chóng nộp hồ sơ cho bên mua bán điện.
Phía EVN rất mong nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các chủ đầu tư trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đàm phán với mong muốn các dự án chuyển tiếp được đưa vào vận hành trong thời gian sớm nhất trên cơ sở bảo đảm đúng quy định pháp luật.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.