Không quân Ấn Độ đang vô cùng lo ngại trước những rủi ro tai nạn hàng không vì chim bồ câu gần căn cứ quân sự Ambala, theo Sputnik.
"Trong thời gian qua, nhiều hộ gia đình tại địa phương bắt đầu nuôi chim bồ câu tại nhà. Những hộ này sống khá gần khu vực đường băng của không quân Ấn Độ. Chim bồ câu có thể trở thành mối nguy đối với các tiêm kích phản lực", hãng tin ANI dẫn nguồn tin từ không quân Ấn Độ cho biết.
Căn cứ không quân sát biên giới Ấn Độ - Pakistan sẽ bắt đầu tiếp nhận những chiếc tiêm kích Rafale từ Pháp vào tháng 5/2020.
Giới chức không quân Ấn Độ đã gửi khiếu nại đến chính quyền địa phương, đề nghị giải quyết tình trạng các hộ dân nuôi chim bồ câu gần sân bay quân sự.
Ấn Độ đặt mua 36 tiêm kích Rafale từ Pháp vào năm 2016 với tổng giá trị hợp đồng lên hơn 8,7 tỷ USD. Ảnh: Reuters. |
Hôm 27/6, một tiêm kích Jaguar của Ấn Độ bị chim "tấn công" chỉ vài phút sau khi cất cánh. Một con đã mắc kẹt trong động cơ chiếc máy bay. Phi công phải xả bớt tổng cộng 10 kg nhiên liệu cùng thiết bị diễn tập để lấy cao độ, sau đó hạ cánh an toàn.
Không quân Ấn Độ khẳng định họ đánh giá tình trạng chim bồ câu xuất hiện với số lượng lớn quanh sân bay là một mối đe dọa nghiêm trọng. Giới chức địa phương và quân đội đang tiến hành các biện pháp quyết liệt để xử lý vấn đề.
Những chiếc Rafale đầu tiên sẽ đến Ấn Độ vào tháng 9/2019. Tiêm kích tối tân do Pháp sản xuất có khả năng vũ trang tên lửa SCALP với tầm bắn hơn 300 km.
Trong quá trình kiểm tra và tiếp nhận trang thiết bị quốc phòng, phi công Ấn Độ sẽ được đào tạo hơn 1.500 giờ bay tại Pháp. Hai nước cũng hợp tác đào tạo phi công lái Rafale tại Pháp.