Chiến đấu cơ hiện đại nhất của Không quân Ấn Độ (IAF) là tiêm kích Su-30MKI do Nga sản xuất. Đây cũng là chiến đấu cơ chiếm số lượng lớn nhất trong biên chế của IAF. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, IAF đang vận hành 242 chiếc Su-30MKI trong số 272 chiếc đã đặt hàng. Ảnh: AFP. |
Su-30MKI được trang bị động cơ kiểm soát vector lực đẩy, radar hiện đại cùng khả năng mang theo tới 8 tấn vũ khí. Su-30MKi được đánh giá là một trong những chiến đấu cơ thế hệ 4++ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo India Times, chỉ 50% số tiêm kích Su-30MKI sẵn sàng chiến đấu ở mọi thời điểm. Ảnh: Defence Talk. |
MiG-21 Bison là chiến đấu cơ có số lượng lớn thứ 2 của IAF với 113 chiếc đang hoạt động. MiG-21 là máy bay chiến đấu do Liên Xô cũ sản xuất vào đầu những năm 1950. MiG-21 bị đánh giá là quá lạc hậu và không còn phù hợp với chiến trường hiện đại. Việc nó bị F-16 của Pakistan bắn hạ là bằng chứng rõ ràng nhất. Ảnh: Airliners. |
91 chiếc Jaguar Sepecat do Anh sản xuất đang hoạt động với vai trò tấn công mặt đất. Chiến đấu cơ này được sản xuất vào đầu những năm 1970. Hiện tại chỉ còn IAF đang vận hành Jaguar. Ảnh: Jetphotos. |
IAF cũng đang vận hành 66 tiêm kích MiG-29, một trong những chiến đấu cơ thế hệ 4 lừng danh. MiG-29 của Ấn Độ đang được nâng cấp với radar mạnh hơn, động cơ cải tiến cùng hệ thống điện tử hàng không hiện đại. Tuy nhiên, khả năng sẵn sàng chiến đấu của MiG-29 không cao do chưa hoàn thiện nâng cấp và thiếu thốn về phụ tùng. Ảnh: Defencexpo. |
41 tiêm kích đa nhiệm Mirage-2000 do Pháp sản xuất vào cuối những năm 1970. Nó từng là cứu cánh cho Không quân Ấn Độ trong cuộc chiến với Pakistan vào năm 1999. Tuy vậy, việc duy trì hoạt động của nó đang gặp khó khăn do nhà sản xuất Dassault Aviation yêu cầu chi thêm tiền để gia hạn hợp đồng bảo trì. Ngoài ra, chi phí vận hành Mirage-2000 quá cao so với hiệu quả mang lại. Ảnh: AFP. |
IAF có 44 chiếc MiG-27 do Liên Xô cũ sản xuất trong vai trò tấn công mặt đất. MiG-27 được sản xuất vào đầu những năm 1970, nó bị đánh giá là quá lạc hậu trên chiến trường hiện đại. Trong khi phần lớn các nước đã loại biên MiG-27, Ấn Độ vẫn là quốc gia sử dụng nó nhiều nhất, cùng với Kazakhstan là 2 nước duy nhất còn vận hành MiG-27. Ảnh: Defpost. |
IAF còn có 12 chiếc HAL Tejas, chiến đấu cơ nội địa do Ấn Độ sản xuất. Quá trình phát triển Tejas kéo dài tới 33 năm nhưng vẫn chưa thực sự hoàn thiện. IAF đang tiếp nhận Tejas trong vai trò thử nghiệm và chờ đợi nhà sản xuất HAL hoàn thiện thêm. Quy mô của IAF khá lớn, nhưng số lượng máy bay sẵn sàng chiến đấu chỉ chưa đầy 50%. Ảnh: IAF. |
Trong khi đó, phía bên kia đường kiểm soát chung ở Kashmir, F-16 do Mỹ sản xuất là chiến đấu cơ hiện đại nhất của Không quân Pakistan (PAF). Theo số liệu của Flight Global, Không quân Pakistan đang vận hành 45 tiêm kích F-16. Một trong những chiếc F-16 của Pakistan được cho là đã bắn hạ MiG-21 của Ấn Độ. Ảnh: U.S Air Force. |
Chiến đấu cơ hiện đại thứ 2 của Pakistan là JF-17, một sản phẩm hợp tác sản xuất với Trung Quốc. Theo Flight Global, Không quân Pakistan đang vận hành khoảng 50 JF-17 trong số 100 chiếc đã đặt hàng. Một số nguồn tin nói rằng JF-17 đã bắn hạ MiG-21 của Ấn Độ vào ngày 27/2, chứ không phải F-16. Ảnh: Defense Image. |
Pakistan đang sử dụng 139 chiếc Chengdu J-7, một biến thể của MiG-21 do Trung Quốc sản xuất. Tình trạng, khả năng sẵn sàng chiến đấu của J-7 trong biên chế Không quân Pakistan không thực sự rõ ràng. Một số nguồn tin nói rằng nó đang được thay thế dần bằng JF-17. Ảnh: Defense Image. |
Ngoài ra, Không quân Pakistan có khoảng 180 chiếc Mirage 5 và Mirage III do Pháp sản xuất. Các máy bay này đang được sử dụng cho vai trò đánh chặn và tấn công mặt đất. Xét về tương quan lực lượng, IAF vượt trội hơn so với PAF. Tuy nhiên, số lượng máy bay nhiều hơn chưa phải là yếu tố chính để đảm bảo chiến thắng. Ảnh: Airliners. |
Info sức mạnh quân sự Ấn Độ và Pakistan. Đồ họa: IB Times. |