Trả lời phóng viên trong buổi họp báo ngày 11/3 về việc các nước châu Âu điều tàu chiến tới Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết việc duy trì hòa bình, ổn định, trật tự an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ở Biển Đông phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là mục tiêu, là lợi ích, trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả quốc gia và cộng đồng quốc tế.
"Hoạt động của các quốc gia ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này", bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định.
Khinh hạm Hamburg, lớp Sachsen, của hải quân Đức. Ảnh: Meta-Defense. |
Về việc Mỹ triển khai tàu tuần tra đến khu vực Biển Đông, bà Hằng cho biết quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ duy trì trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh quốc phòng trên cơ sở những thỏa thuận đã được hai bên như tuyên bố về hợp tác quốc phòng năm 2011, Tuyên bố về tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng 2015 và Kế hoạch hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2020.
Hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có hợp tác an ninh hàng hải và nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, góp phần duy trì hòa bình, ổn định hợp tác và phát triển của khu vực cũng như quốc tế
Trong những tuần gần đây, các nước Tây Âu và Canada tuyên bố điều tàu hải quân đến khu vực Biển Đông trong năm nay.
Reuters hôm 4/3 dẫn nguồn tin từ các quan chức cấp cao Đức cho biết nước này sẽ điều một khinh hạm đến châu Á vào tháng 8. Khi trở về, tàu sẽ đi qua Biển Đông, trở thành tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua khu vực này kể từ năm 2002.
Các quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Đức cho biết tàu sẽ không đi qua khu vực 12 hải lý quanh các thực thể đang tranh chấp ở Biển Đông.
Mỹ ngày 3/3 đã ca ngợi kế hoạch của Đức đưa tàu chiến đi qua Biển Đông, cho biết Washington hoan nghênh các hành động ủng hộ “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” trong khu vực.
Hồi tháng 2, thông cáo của Hạm đội 7 của Mỹ khẳng định tàu khu trục USS Russell đã đến tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông trong ngày 17/2, "thực thi các quyền và quyền tự do hàng hải ở quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế". Quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trước đó, Vương quốc Anh thông báo cũng sẽ gửi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth đến Đông Á vào cuối mùa hè năm nay.
Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Pháp đã điều một tàu ngầm tấn công đến Biển Đông từ tháng 2.
Một tàu chiến của Hải quân Hoàng gia Canada cũng đến gần khu vực này vào tháng 1, trong hành trình đi qua eo biển Đài Loan để tham gia tập trận với hải quân Australia, Nhật Bản và Mỹ.