Black Friday diễn ra vào đúng ngày tuyển Anh gặp tuyển Mỹ tại World Cup 2022. Ảnh: The Sun. |
Từ Black Friday được sử dụng để gợi lên hình ảnh những người mua sắm điên cuồng chạy đua đến các cửa hàng hay ngồi hàng giờ trước máy tính để mua được càng nhiều món đồ với giá càng hời càng tốt.
Năm nay, dịp này có thể im ắng hơn vì lạm phát buộc người tiêu dùng phải cắt giảm chi tiêu cho những thứ không thiết yếu. World Cup cũng là một nguyên nhân khiến Black Friday kém nhiệt khi người tiêu dùng đổ dồn sự chú ý sang sự kiện hấp dẫn này, theo The Guardian.
Người ta dự đoán rằng người Anh sẽ chi 22,62 tỷ bảng trong khoảng thời gian Black Friday dài hai tuần, từ 22/11 đến 5/12. Con số này tăng 2,1% so với cùng kỳ nhưng nếu tính cả lạm phát, điều đó có nghĩa là người tiêu dùng đã mua ít mặt hàng hơn, theo nghiên cứu của GlobalData cho Vouchercodes.
Đây là một sự chững lại rõ rệt đối với ngày giảm giá lấy cảm hứng từ Mỹ, vốn đã dần trở thành một sự kiện trực tuyến. Đã có rất ít người xếp hàng bên ngoài các cửa hàng ở Anh so với hồi năm 2014 khi mà khách hàng phấn khích vì khuyến mãi đến nỗi xô xát với nhau.
Một Black Friday u ám có thể gây áp lực lên các nhà bán lẻ, những người hy vọng sự kiện này có thể tạo ra sự phấn khích và cám dỗ những người mua sắm đang tìm cách cắt giảm chi tiêu cho lễ Giáng sinh của họ. Doanh số bán hàng kém sẽ khiến nhà bán lẻ trở nên tuyệt vọng hơn trong việc giải phóng hàng tồn kho.
Những thông tin xung quanh sự kiện này cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cơn sốt bóng đá. Vào chính buổi tối Black Friday, thay vì đi mua sắm, một lượng lớn người sẽ xem trận đấu của đội tuyển Anh gặp Mỹ.
Tuy nhiên, một số người có thể quay lại các hoạt động khuyến mãi trong những ngày tiếp theo. Nhiều siêu thị và doanh nghiệp khách sạn đã chỉ ra một xu hướng mới là khách hàng dường như ít đi chơi vào buổi đêm hơn. Vậy nên, họ có thể dành thời gian này để “săn deal" giá hời trên các nền tảng trực tuyến.
Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng ngày càng hoài nghi hơn về những quảng cáo hào nhoáng với mức sale “sập sàn". Nhiều cảnh bảo cho rằng các quảng cáo chỉ thêm mắm dặm muối để trông có vẻ hấp dẫn hơn.
Mặt hàng công nghệ, theo truyền thống là quán quân về doanh số trong Black Friday. Tuy nhiên, chúng sẽ ít được săn đón hơn trong năm nay vì nhiều gia đình đã mua TV, máy tính xách tay và máy chơi game cho mục đích giải trí và làm việc trong khi mắc kẹt ở nhà trong thời gian phong tỏa do đại dịch. Việc quay trở lại mua sắm trực tiếp ở cửa hàng sau hai năm đóng cửa cũng có thể gây cản trở cho sự kiện chủ yếu là trực tuyến.
Nhiều nhà bán lẻ đã tung ra chương trình giảm giá Black Friday sớm, điều này cho thấy họ có hàng để thanh lý sau doanh số bán hàng ban đầu đáng thất vọng.
Thời tiết mùa thu tương đối ấm áp chỉ gây thêm khó khăn cho các nhà bán lẻ quần áo. Những chiếc áo khoác mùa đông và hàng dệt kim đắt tiền bỗng trở nên kém hấp dẫn hơn trong điều kiện nhiệt độ dễ chịu mà phần lớn nước Anh đã được hưởng trong hai tháng qua.
Các nhà bán lẻ trực tuyến nhận định doanh số bán hàng vào Black Friday sẽ giảm năm thứ 2 liên tiếp là 5% theo cơ quan thương mại IMRG và các nhà phân tích tại Capgemini. Trong đó, mặt hàng quần áo bị giảm nhiều nhất.
Những lo ngại về việc giao hàng, với các cuộc đình công kéo dài đến tận đêm Giáng sinh, có thể thuyết phục nhiều người rằng một chuyến đi vào thành phố là một lựa chọn an toàn hơn. Một số người đang thắt lưng buộc bụng cũng đang chuyển sử dụng sang tiền mặt thay vì thẻ để kiểm soát ngân sách của họ và điều này làm cho các cửa hàng trên phố trở thành một lựa chọn hấp dẫn hơn.
Sự suy giảm này có thể sẽ gây thêm áp lực lên các doanh nghiệp kỹ thuật số vốn đang phải vật lộn với nhu cầu giảm và chi phí gia tăng - đặc biệt là trong việc xử lý việc giao hàng và trả lại hàng hóa khi chi phí nhiên liệu, năng lượng và lao động tăng cao.
Andy Mulcahy, giám đốc chiến lược và chuyên sâu tại IMRG nhận định tình hình đang không mấy khả quan và nếu tiếp tục xấu đi, nó thực sự sẽ đáng báo động.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...