Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 15/6 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã bật tăng phần nào sau chuỗi ngày giảm mạnh. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 22.000 USD/đồng, tăng 3,27% so với 24 giờ trước đó.
Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt gần 420 tỷ USD. Đà bán tháo trên thị trường suy yếu. Khối lượng giao dịch trong vòng 24 giờ qua giảm 28,72% xuống 47 tỷ USD.
Tuy nhiên, giá Bitcoin vẫn giảm gần 30% so với 7 ngày trước đó. Tính từ mức đỉnh gần 69.000 USD/đồng được thiết lập hồi tháng 11/2021, Bitcoin đã mất 68% giá trị.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng Bitcoin đã có một đầu tuần tồi tệ. Dù giá bật tăng phần nào, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới vẫn ở thế nguy hiểm.
Các chuyên gia quốc tế cho rằng Bitcoin đang ở thế nguy hiểm sau chuỗi ngày sụt giá mạnh. Ảnh: Reuters. |
Đòn giáng lớn
"Mọi lực cản đã kết hợp với nhau tạo thành 'siêu bão', kéo Bitcoin sụp đổ", ông Craig Erlam - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London - bình luận với Zing.
"Các điều kiện thị trường không hỗ trợ Bitcoin, nhưng những thông tin xoay quanh Binance và Celsius mới là đòn giáng mạnh nhất", ông Erlam nhận định.
Theo ông, việc Binance - nền tảng giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới - tạm ngừng hỗ trợ rút Bitcoin và cuộc khủng hoảng thanh khoản tại công ty cho vay tiền mã hóa Celsius đã khiến các nhà đầu tư tiền mã hóa hoảng loạn.
Cụ thể, mới đây, Celsius tạm ngừng mọi hoạt động rút và chuyển tiền, làm dấy lên lo ngại rằng công ty có thể sắp phá sản. Hoạt động cho vay của Celsius tương tự ngân hàng, nhưng không có các yêu cầu nghiêm ngặt như những nhà băng truyền thống.
Giới đầu tư lo ngại rằng sự sụp đổ của Celsius có thể tạo ra tác động lan tỏa, giáng đòn vào một ngành công nghiệp vốn đã rung chuyển sau cú rơi của liên doanh stablecoin (tạm dịch: tiền ổn định) trị giá 60 tỷ USD Terra.
Những thông tin xoay quanh Binance và Celsius là đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp tiền mã hóa. Ảnh: Reuters. |
Celsius là một trong những nhà đầu tư của Terra. Nhưng công ty cho biết không bị ảnh hưởng nhiều bởi dự án.
"Trong trung hạn, các nhà đầu tư sẽ phải chuẩn bị cho những tình huống tồi tệ hơn", ông Mikkel Morch - Giám đốc điều hành quỹ đầu cơ tiền mã hóa ARK36 - bình luận.
Lần đầu tiên kể từ đầu năm 2021, tổng giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa đã rơi xuống dưới ngưỡng 1.000 tỷ USD.
"Mốc 20.000 USD/đồng giờ trở thành ngưỡng nguy hiểm đối với Bitcoin. Nếu rơi xuống dưới mức giá này, Bitcoin có thể chứng kiến đà bán tháo nghiêm trọng", ông Erlam cảnh báo.
Khó trở lại đà tăng
Thêm vào đó, theo vị chuyên gia, thị trường tiền mã hóa còn bị tác động tiêu cực bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất nhằm kiểm soát lạm phát. Một động thái nâng lãi suất mạnh tay có thể đẩy nền kinh tế Mỹ vào suy thoái và ảnh hưởng đến các tài sản rủi ro trên diện rộng.
Giới quan sát dự báo trong cuộc họp kéo dài 2 ngày, kết thúc hôm 15/6, các quan chức FED có thể đưa ra những động thái lớn hơn đối với lãi suất.
Đội ngũ chuyên gia của Goldman Sachs cho rằng FED sẽ nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm trong các cuộc họp tháng 6 và tháng 7. Đến tháng 9, cơ quan này có thể tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm, và thu hẹp mức tăng còn 0,25 điểm phần trăm trong tháng 11 và tháng 12.
Đó là một môi trường khó khăn đối với tiền mã hóa. Ngay cả khi phục hồi, đà tăng trưởng của Bitcoin cũng không thể mạnh mẽ như trước đây
Ông Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở London
Sau thông tin về việc lạm phát đạt đỉnh trong tháng 5 và chỉ số lạc quan của người tiêu dùng suy yếu nghiêm trọng, tối ngày 13/6, công cụ FED Watch của CME Group cũng chỉ ra khả năng ngân hàng trung ương Mỹ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lên tới 96%.
Trước đó, cơ quan này đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay, bao gồm một đợt nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 5.
Các nhà đầu tư đang nóng lòng chờ động thái tiếp theo của FED. Trong phiên giao dịch hôm 14/6, chỉ số S&P 500 mất 14,15 điểm, tương đương 0,38%, xuống còn 3.735 điểm. Còn chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 151,91 điểm về 30.364 điểm. Như vậy, Dow Jones và S&P 500 đã chứng kiến ngày giảm điểm thứ 5 liên tiếp.
Trong những tháng qua, thay vì hoạt động như một dạng "vàng kỹ thuật số", Bitcoin thường biến động cùng chiều với chứng khoán.
"Đó là một môi trường khó khăn đối với tiền mã hóa. Ngay cả khi phục hồi, đà tăng trưởng của Bitcoin cũng không thể mạnh mẽ như trước đây", ông Erlam nhận định với Zing.
Ngoài ra, việc stablecoin USDD bị mất mốc 1 USD/đồng khiến nhà đầu tư lo ngại viễn cảnh thảm họa stablecoin UST của Terra có thể tái diễn.
Nhà sáng lập USDD Justin Sun cáo buộc các nhà đầu tư giấu tên “bán khống” đồng tiền và cam kết tài trợ 2 tỷ USD để chống đỡ định giá của stablecoin này.