Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 7/2 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - tăng 2,54% so với 24 giờ trước đó lên 42.700 USD/đồng. Như vậy, tính từ mức cách đây một tuần, giá đã phục hồi 14,79%.
Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin cũng lấy lại mốc 800 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị vốn hóa của toàn bộ thị trường tiền mã hóa tăng 3,23% so với 24 giờ trước đó lên 1.960 tỷ USD.
Các đồng tiền mã hóa khác cũng chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới - đã tăng 20,83% so với một tuần trước đó lên xuyên thủng ngưỡng 3.000 USD/đồng.
Giá Bitcoin bật tăng mạnh mẽ hôm 7/2 (theo giờ Việt Nam). Giới chuyên gia cho rằng đồng tiền mã hóa này phục hồi nhờ vào đà tăng của các cổ phiếu công nghệ. Ảnh: CoinMarketCap. |
Trở lại đà tăng
Trong nhóm 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa lớn nhất, XRP - đồng tiền lớn thứ 8 - chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ với mức tăng 31,14% chỉ sau vỏn vẹn một tuần.
"Giá Bitcoin đã phục hồi nhờ vào đà tăng trở lại của các cổ phiếu công nghệ, dẫn đầu là Amazon.com", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda bình luận với Zing.
Cụ thể, trong phiên giao dịch cuối tuần trước, cổ phiếu của gã khổng lồ bán lẻ trực tuyến và điện toán đám mây đã tăng 13,5% nhờ vào báo cáo lợi nhuận vượt kỳ vọng hôm 3/2. Giá trị vốn hóa thị trường của Amazon.com tăng khoảng 190 tỷ USD, mức tăng lớn nhất trong một phiên tại Phố Wall từ trước tới nay.
"Giá Bitcoin phục hồi nhờ vào đà tăng trở lại của các cổ phiếu công nghệ, dẫn đầu là Amazon.com. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã thoát khỏi đợt điều chỉnh giảm mạnh vừa qua
Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda
"Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đã thoát khỏi đợt điều chỉnh giảm mạnh vừa qua", ông Moya bình luận.
Theo vị chuyên gia tại Oanda, ngay cả khi trải qua cú rơi đột ngột, những nền tảng cơ bản của Bitcoin vẫn còn. Điều này có thể giúp giá trở lại xu hướng tăng giá.
"Khi tất cả tài sản rủi ro đều bị bán tháo, Bitcoin sẽ chứng kiến xu hướng tương tự. Nhưng chỉ cần Nasdaq 100 hoặc bất cứ tài sản nào tương tự bắt đầu phục hồi, tiền mã hóa cũng có thể bật tăng trở lại theo", ông Art Hogan - chiến lược gia tại National Securities - giải thích.
Hôm 24/1, giá Bitcoin đã rơi xuống mức hơn 33.000 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường có thời điểm mất mốc 700 tỷ USD.
Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới lấy lại đà tăng giá trong những tuần qua. Tuy nhiên, so với kỷ lục gần 69.000 USD/đồng thiết lập vào ngày 10/11/2021, Bitcoin vẫn giảm giá 37,84%.
Biến động cùng chiều cổ phiếu công nghệ
Dù giá Bitcoin đã phục hồi phần nào, cú rơi của tiền mã hóa cho thấy Bitcoin không còn được giao dịch như "vàng kỹ thuật số". Thay vào đó, tiền mã hóa biến động cùng chiều với những tài sản rủi ro như cổ phiếu công nghệ.
Thị trường tiền mã hóa và chứng khoán đỏ lửa sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu sẽ thắt chặt các chính sách tiền tệ và tài khóa nhằm đối phó với rủi ro lạm phát tăng cao.
Những người ủng hộ Bitcoin từng lập luận rằng Bitcoin là một dạng "vàng kỹ thuật số". Nhưng quan điểm đó đã không còn phù hợp với các nhà đầu tư mới hơn.
Theo CNBC, khi các tổ chức đầu tư dành sự chú ý cho tiền mã hóa, ngày càng nhiều nhà đầu tư ngắn hạn đổ tiền vào loại tài sản này. Đó là lý do Bitcoin được xem như một tài sản rủi ro và biến động cùng chiều với cổ phiếu công nghệ.
Giá Bitcoin biến động mạnh trong vòng một tháng qua. Giá giảm còn hơn 33.000 USD/đồng hôm 24/1, khiến trị vốn hóa thị trường của đồng tiền có thời điểm rơi xuống dưới mức 700 tỷ USD. Ảnh: CoinMarketCap. |
Trong khi đó, giá vàng giữ nguyên đà tăng bất chấp những biến động trên thị trường. Ngay cả khi lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ và đồng USD bật tăng trở lại, tính đến cuối tuần trước, giá kim loại quý vẫn ở trên mốc 1.800 USD/ounce.
Bất chấp bối cảnh vĩ mô đầy thách thức do các vấn đề chuỗi cung ứng, lạm phát gia tăng và rủi ro đại dịch kéo dài, các chiến lược gia của Bank of America cho biết dòng vốn đầu tư vào vàng vẫn rất ổn định.
“Vàng không chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi bất cứ nền kinh tế nào. Kim loại quý có thể chống chịu với những bất ổn trên thị trường tài chính toàn cầu”, ông Adam Glapinski - Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Ba Lan (NBP) - nhận xét với truyền thông địa phương. Cơ quan này đang tăng tích trữ vàng.
Ở chiều ngược lại, một số nhà đầu tư đã vội vàng tháo chạy khỏi những tài sản rủi ro. "Dù một số người ủng hộ coi Bitcoin là 'vàng kỹ thuật số'. Tiền mã hóa dường như vẫn giống một loại tài sản rủi ro", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London) bình luận với Zing.